Khi khán giả phát ớn với… quảng cáo truyền hình phản cảm

ANTĐ - Từ lâu, quảng cáo truyền hình đã được xem là kênh quảng bá thông tin dịch vụ và sản phẩm hiệu quả. Theo thời gian, khán giả có nhiều lựa chọn xem truyền hình hơn, với số kênh đa dạng, khiến những nhà làm quảng cáo truyền hình càng phải nỗ lực. Song thực tế đã chứng kiến không ít tác dụng ngược chiều: Quảng cáo truyền hình phản cảm, gây ấn tượng xấu với khán giả.

Quảng cáo truyền hình lố, phát không đúng thời điểm

Nói về quảng cáo truyền hình, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới câu chuyện được nói rất nhiều: Trong bữa cơm gia đình, TV đang chiếu chương trình bình thường, bỗng xuất hiện quảng cáo… nước rửa bồn cầu hay băng vệ sinh.

“Hình ảnh chiếc bồn cầu nhớp nhúa, bẩn thỉu choán gần hết màn hình khiến cả nhà tôi không nuốt nổi cơm. Hay những quảng cáo truyền hình có hình ảnh nôn ọe, tiêu chảy… đều vô cùng phản cảm ở thời điểm nhiều nhà quây quần bữa cơm”, chị Thùy Linh (Trương Định, Hà Nội) chia sẻ.

Vấn đề phát quảng cáo truyền hình không phù hợp nói trên thậm chí đã được đưa ra những diễn đàn báo chí để góp ý, song không có ai đứng ra nhận trách nhiệm để khắc phục, bởi dường như bộ phận biên tập luôn cho rằng họ không “liên quan” tới nội dung quảng cáo truyền hình.

Những nội dung quảng cáo truyền hình thái quá hoặc nhạt nhẽo khiến nhiều khán giả... phát chán

Bên cạnh những quảng cáo truyền hình xuất hiện không đúng thời điểm thì nhiều quảng cáo truyền hình ở Việt Nam hiện nay đang bị xem là… “thảm họa”: Hoặc vô cùng phi lý, hoặc nhân vật nói quá nhiều, quá nhanh làm khán giả “chóng mặt ù tai”, hoặc đơn giản tới mức nhàm chán.

Tất cả kiểu quảng cáo truyền hình đó đều có chung một tác dụng “ngược” là khiến người xem khó chịu, “lây” cảm giác thiếu thiện cảm sang sản phẩm hay dịch vụ được quảng bá.

“Xem quảng cáo bột giặt gần đây mà mình nổi da gà vì khó chịu. Mấy bà tám nói nhanh, nói nhiều như súng liên thanh. Mà phi lý nữa, nhìn mấy người đó, ai nghĩ họ… giặt quần áo bằng tay hàng ngày, khi máy giặt đang phổ biến khắp các đô thị?”, chị Ngọc Hương (biên tập viên báo chí, Hà Nội) bày tỏ.

Trong khi đó, nhiều người lại tỏ ra khó chịu với một quảng cáo truyền hình gần đây, khi nhân vật nam chỉ cần uống nước tăng lực là đã có thể… “biến hổ thành mèo”.

Bạn Nguyễn Dung (nhân viên văn phòng, Hà Nội) chia sẻ: “Biết quảng cáo là phải nói quá lên rồi, nhưng những điều quá phi lý, kỳ dị như vậy làm người ta thấy phản cảm, khiến khán giả cảm thấy rất ghét và phải… chuyển kênh”.

Ngược với những loại quảng cáo truyền hình thái quá nói trên, nhiều quảng cáo truyền hình lại đơn giản tới mức nhàm chán, lặp đi lặp lại một “mô-típ” suốt nhiều năm tháng. Chẳng hạn các loại quảng cáo truyền hình về thuốc, khán giả liên tục bị “trù úm”: “Bạn bị đau đầu? Bạn bị suy nhược thần kinh? Bạn bị yếu sinh lý?...”, đi kèm với đó là hình ảnh người bệnh nhăn nhó, khổ sở. Và ngay sau khi đưa viên thuốc vào miệng thì họ lại tươi cười, từ đó hiện ra loạt hình ảnh vui tươi, khỏe mạnh…

Không thể phủ nhận quảng cáo truyền hình là một phần nội dung thường xuyên xuất hiện trên màn hình TV, dù muốn hay không thì khán giả vẫn phải “tiêu thụ”. Song một khi những clip quảng cáo truyền hình thiếu đi sự biên tập kỹ lưỡng, thiếu sự sáng tạo cần thiết thì vừa không đạt được hiệu quả truyền thông như mong muốn, vừa khiến khán giả có ấn tượng xấu (hoặc nhạt nhòa) với sản phẩm hay dịch vụ được quảng bá.

Rõ ràng đây không phải là điều mà những người trả tiền làm quảng cáo truyền hình mong muốn!

Quảng cáo truyền hình hay có thể “gây nghiện” như… phim ảnh

Nhờ sự phát triển của internet, khán giả Việt đã được tiếp cận rất nhiều nội dung quảng cáo thú vị từ các nước khác. Trong đó, không thể không nhắc tới Thái Lan – quốc gia láng giềng sở hữu vô số clip quảng cáo sáng tạo, được đầu tư kỹ lưỡng cả về ý tưởng và phần thực hiện.

Những nội dung quảng cáo đó hoặc vô cùng xúc động, ý nghĩa, hoặc rất hài hước, hóm hỉnh khiến người xem “không nhịn được cười” như lời chia sẻ của chị Bích Thảo (nữ phóng viên ở Hà Nội).

Nhiều khán giả chắc chắn không thể quên quảng cáo dầu gội kể về một cô gái bị khuyết tật theo đuổi giấc mơ trở thành nghệ sỹ violin. Dù đó chỉ là… quảng cáo song không ít người đã rơi nước mắt vì nội dung hết sức xúc động, kết hợp ấn tượng cả hình ảnh và âm thanh trong một kịch bản đầy ý nghĩa.

Dù chỉ là quảng cáo, video này đã khiến nhiều người xung động rớt nước mắt

Hay gần đây là quảng cáo của Thái Lan nói về… camera. Tưởng như đó chỉ là sản phẩm công nghệ khô cứng, những nhà thực hiện quảng cáo này đã thổi vào một câu chuyện ý nghĩa và xúc động, khiến người xem phải ngẫm nghĩ về bài học cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều quảng cáo hài hước thú vị khác về kẹo, sản phẩm chống hôi nách… làm cho người xem cảm thấy được giải trí khi thưởng thức, thay vì bức bối hay khó chịu như với nhiều quảng cáo Việt.

Ngoài Thái Lan, có nhiều nhãn hàng quốc tế cũng rất đầu tư vào quảng cáo, để cho ra sản phẩm clip rất “kiệm lời”, có vẻ đơn giản, ngắn gọn nhưng lại hết sức sâu sắc, khiến khán giả bất ngờ và tâm đắc sau khi xem xong.

“Mình rất thích xem quảng cáo, tất nhiên là quảng cáo thú vị, hay ho rồi, vì nó giúp giải trí không kém gì các bộ phim hay clip nhạc. Nhưng xem trên truyền hình Việt không có nhiều quảng cáo sáng tạo, nếu có thì cũng thường là quảng cáo “nhập khẩu” về thôi. Mình nghĩ đó là sức ì kém sáng tạo, chưa được các nhà làm nội dung ý thức, hoặc các thương hiệu chưa mạnh dạn đầu tư”, anh Triệu Hùng – một kỹ sư CNTT – chia sẻ.

Rõ ràng, nội dung quảng cáo truyền hình thú vị, sáng tạo và chất lượng là mong muốn chung của cả phía thương hiệu đặt mục tiêu quảng bá thông tin tới cộng đồng, cũng như phía khán giả xem truyền hình. Song nếu các thương hiệu chưa ý thức thay đổi, khán giả Việt sẽ tiếp tục phải… phát nản chứng kiến những “bà tám” ầm ĩ, điếc tai hay những nội dung quảng cáo truyền hình nhạt nhẽo và thiếu hiệu quả mỗi ngày.
Một trong những clip quảng cáo ấn tượng: