Khi "hàng trắng" bủa vây những ngôi làng

ANTĐ - Ở Bắc Giang ai cũng biết đến Hoàng Lương (Hiệp Hòa) như một điển hình của phong trào xóa nghèo. Người Hoàng Lương nhạy bén, cần mẫn nên tạo được thương hiệu “nhất cá, nhì cần, tam dê, tứ chó”.

Kỳ 1: Thêm dấu cộng buồn

Xã “4 nhất”

Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương khoe: “Xã này phát triển kinh tế nhất huyện đấy. Người dân làm ăn giỏi nên thu nhập cao lắm. Nếu so sánh làm nông nghiệp các vùng khác so với xã tôi thì không đâu bằng”.

 

Một góc xã Hoàng Lương

Niềm tự hào của ông chủ tịch xã quả là có lý khi Hoàng Lương có phong trào xóa nghèo làm giàu khá hiệu quả. Người dân trong xã từ lâu đã biết nuôi cá, trồng cần để bán cho Hà Nội và các vùng phụ cận.

Họ trồng cần thả cá ngay dưới các chân ruộng sâu thay cho việc trồng lúa. Đặc biệt từ năm 2005, sau khi UBND xã Hoàng Lương quyết định chuyển đổi 100ha lúa sang trồng cần thả cá thì không khí làm giàu ở vùng quê này rất sôi động. Người nào cũng hăm hở kiếm tiền.

Ông Quế bảo: “Tầm 7h sáng ai qua xã tôi là coi như tắc đường. Xe các loại của lái thương đến mua hàng đông lắm”. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Kim Lệ chêm vào: “Đấy là họ đến mua cá. Cá các loại, loại gì cũng có, từ chép, chim, trôi, mè… loại nào cũng nhiều”.

Rồi ông Lệ nhẩm tính, mỗi năm người Hoàng Lương thu về hàng chục tỉ đồng tiền bán cá. Tiền bán rau cần khoảng 18 tỉ đồng/năm, một hộ trồng rau cần thu lãi vài trăm triệu đồng dễ như không.

Thấy chúng tôi hoài nghi, ông Lệ tỉ mỉ phân tích: “Một vụ trồng cần chia làm ba đợt. Mỗi đợt sẽ cho 2 tấn/sào, 3 đợt sẽ thu về 6 tấn. Mỗi cân rau cần có giá từ 7-8 nghìn đồng. Mỗi hộ trung bình có khoảng 3 sào vừa nuôi cá vừa trồng cần, cứ thế tính ra không là tỉ phú mới lạ”.

Để khẳng định thu nhập cao của người dân trong xã, một cán bộ xin được giấu tên mách nhỏ: “Hàng năm báo cáo với huyện, chúng tôi phải ghi bớt số tiền mà dân thu được đấy”.

Không chỉ trồng cần nuôi cá, người Hoàng Lương còn buôn bán dê và chó với số lượng lớn. Có lẽ vì thế mà huyện Bắc Giang có câu “nhất cá, nhì cần, tam dê, tứ chó” là để nói về Hoàng Lương.

“Bão ma” về làng

Ngoài bốn cái nhất đáng mừng ấy ở Hoàng Lương, giờ đây người ta đang buồn phiền cho cái nhất thứ năm, ma túy. Và cái nhất đáng buồn này đã kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường ở một xã tiêu biểu nhất của Hiệp Hòa.

Ông Trần Văn Tuyên - Trưởng Công an xã cho biết, từ năm 2001 đến nay ma túy đã len lỏi vào xã và trở thành vấn đề nổi cộm nhất của huyện. Lúc đầu, có lẽ do chủ quan nên mãi đến năm 2005, công tác tuyên truyền các cấp về phòng chống ma túy mới được triển khai rộng rãi trên địa bàn. Thậm chí, Công an huyện Hiệp Hòa đã đặt Hoàng Lương là trọng điểm để tuyên truyền nhưng tình trạng buôn bán ma túy vẫn diễn ra.

Lý giải điều này, ông Tuyên nói một câu ngắn gọn: “Vì ma túy mang tính siêu lợi nhuận”. Đặc biệt, tại thôn Tân Định là nơi sản sinh nhiều tay buôn bán ma túy cộm cán nhất. Những năm “cơn bão” ma túy mới về làng, chính quyền địa phương ngơ ngác không trở tay kịp.

Giờ đây, thôn Tân Định đã tạm lắng xuống nhưng tình hình buôn bán ma túy lại nổi lên ở thôn Thanh Lương với nhiều đối tượng liều lĩnh manh động hơn rất nhiều”.

Chia nhau 300 năm tù

Ông Tuyên giữ chức Trưởng Công an xã đã bao nhiêu năm cũng là ngần ấy thời gian phải chứng kiến người làng mình bị tuyên án vì buôn “hàng trắng”. Ông Tuyên nhẩm tính: “Sơ sơ thì cũng 300 năm tù cho các đối tượng rồi chú ạ. Đó là chưa tính đến mấy đối tượng chưa đem ra xét xử”.

Nhưng đáng buồn hơn là tất cả các đối tượng ma túy đều có học thức, được giáo dục đàng hoàng. Như Lê Thị Thư (SN 1976) kết hôn với Vũ Xuân Trường (SN 1965) tại thôn Tân Định. Gia cảnh họ không thuộc loại quá khó khăn nhưng vì thích có tiền ăn chơi hưởng lạc nên hai vợ chồng đã “rủ” nhau đi buôn “hàng trắng”. Thư bị Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ khi đang vận chuyển 9 bánh heroin và bị Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt mức án tử hình.

Theo ông Tuyên, xã Hoàng Lương còn nhiều đối tượng cộm cán về buôn bán ma túy đang trong thời gian theo dõi. Gần 30 đối tượng bị bắt giữ và đang chịu án đều có “chân tay” ở ngoài và chúng hoạt động rất tinh vi.

Đặc biệt là đối tượng Nguyễn Thị Minh (SN 1976) bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt 17 năm tù giam nhưng hiện đối tượng vẫn đang nhởn nhơ tại quê nhà.

(Còn nữa)

Theo một cán bộ xã Hoàng Lương: “Tình trạng buôn bán ma túy tại xã Hoàng Lương chủ yếu mang tính chất dòng tộc, họ hàng và một số người ngoài bị lôi kéo. Không phải họ bị lôi kéo vì học thức thấp mà do tính chất siêu lợi nhuận của ma túy đã làm mờ mắt kẻ hám tiền. Chúng tôi đang lo sợ chúng sẽ lôi kéo các em học sinh hoặc dùng con em mình để vận chuyển ma túy. Ngay tại thôn Thanh Lương hiện nay, rất nhiều đối tượng thuộc diện theo dõi đang có những hành vi lôi kéo người khác vào hoạt động làm ăn phi pháp này”.