Khi giới trẻ... sợ cưới

ANTĐ - Những kết quả điều tra về dân số gần đây đã phần nào cho chúng ta biết thanh niên Việt Nam đang ngại ngần bước đến ngưỡng cửa hôn nhân. Và trái ngược với việc kết hôn muộn hiện nay, tuổi quan hệ tình dục của thanh niên ngày nay bắt đầu cũng sớm hơn.

Kết quả điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam công bố vào tháng 6 vừa qua cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở cả hai giới đều muộn hơn. Theo đó, tuổi kết hôn lần đầu của nam giới trung bình là 26,2 tuổi và nữ là 23 tuổi. Trong khi đó, quan hệ tình dục lần đầu ở thanh niên Việt Nam đã sớm hơn 1,5 tuổi (trung bình 18,1 tuổi), những thanh niên sống ở đô thị có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn thanh niên ở những vùng nông thôn.

Muôn vàn nỗi lo

Đối với những bạn trẻ sắp kết hôn thì xung quanh họ luôn bao gồm rất nhiều nỗi lo. Nào là chuyện tiền nong để lo đám cưới, rồi khi sinh sống liệu có còn hạnh phúc như ban đầu, nào là các dự định học hành sẽ bị “đứt gánh giữa đường” khi phải chăm lo cho cuộc sống gia đình… Rất nhiều những nguyên nhân mà kể ra thì chính những người chưa có ý định hôn nhân lâu dài cũng phải giật mình và nhìn lại chính cuộc sống của mình.

Anh Dương Văn Dũng hiện là Giám đốc kỹ thuật của một công ty kinh doanh về điện thoại di động, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc hôn nhân của mình nhưng cũng chưa hết lo ngại. Người bạn đời của Dũng cũng chưa có được một công việc thật sự ổn định, cô chưa có thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Ngày chuẩn bị cho lễ thành hôn, anh Dũng mới thấu hiểu nỗi lo ngại của nhiều bạn trẻ, từ những vật dụng nhỏ nhất trong gia đình, hay những thứ chuẩn bị cho lễ cưới đều phải được tính đến. Anh Dũng chia sẻ: “Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng quả thật tôi cũng không ngờ nhiều việc đến vậy. Chúng tôi đã phải bỏ nhiều công sức để lễ cưới được trọn vẹn. Mặc dù tôi biết chúng tôi còn trẻ và còn nhiều chông gai khó khăn trước mắt, nhưng hy vọng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn và những đôi vợ chồng trẻ như chúng tôi sẽ dần vượt qua”.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Ngọc cho biết: “Hiện nay một số bạn trẻ cảm thấy rằng chưa đủ tự tin để tiến đến hôn nhân. Những nỗi lo về tiền bạc đã làm không ít bạn trẻ đắn đo trước quyết định hạnh phúc của một đời. Ngoài ra nỗi sợ hãi không ổn định cuộc sống, không ổn định tình cảm khi về chung sống. Ngoài ra họ cũng lo ngại đôi chút về sự chung thủy của bạn đời khi giới trẻ ngày nay đã được chứng kiến những hoàn cảnh không vui của những người đi trước. Điều đó một phần nhỏ cũng ảnh hưởng đến tâm lý các bạn trẻ khi suy nghĩ đến việc trăm năm hạnh phúc”.

Chị Hoàng Thị Thơm là một nhân viên văn phòng với thu nhập ổn định, chị đã lập gia đình được 2 năm. Và đến thời điểm này cuộc sống gia đình của chị vẫn tạm thời được gọi là hạnh phúc. Kinh tế ổn định, nhưng chị Thơm vẫn có những ức chế. Chị Thơm tâm sự: “Trước khi tiến tới hôn nhân, tôi và chồng đều có những khoảng thời gian hạnh phúc. Sau khi về sống với nhau dưới một mái nhà, thì nhiều điều khiến tôi khó chịu. Không thể ngờ được rằng người mình yêu khi trước lại quá trần trụi, quá bản năng nguyên thủy như vậy.

Ngay từ những sinh hoạt nhỏ nhất của anh ấy cũng đủ để tôi cảm thấy không được hài lòng”. Trường hợp như chị Thơm trong xã hội ngày nay là không thiếu. Khi các bạn trẻ tìm hiểu nhau, yêu nhau, họ vẫn thường thấy cuộc sống là một màu hồng và tình yêu đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng khi về chung sống, những điều khác biệt hoàn toàn với lúc yêu thường xảy ra, và họ mới chợt nhận ra rằng hôn nhân không đẹp và lãng mạn như lúc yêu. Và đấy cũng chính là lý do khiến cho nhiều bạn trẻ tôn thờ “tự do”, họ có thể yêu nhau, có thể chung sống với nhau, nhưng lại ngại ràng buộc nhau bằng… giấy đăng ký kết hôn.

Một nguyên nhân khiến cho các bạn trẻ ngại tiến tới hôn nhân đó là vì các bạn gái sợ phải sống chung với nhà chồng, sợ phải làm dâu. Cứ nghĩ đến cảnh phải về làm dâu khổ cực, vất vả là Hải Anh lại lo lắng. Mặc dù yêu nhau đã lâu, nhưng khi nói về chuyện làm dâu, Hải Anh luôn than thở: “Tình yêu của mình không biết có đủ lớn để hy sinh tất cả mọi thứ không nữa. Tôi biết tôi sẽ phải chịu đựng cả gia đình nhà chồng”. Nhìn vào hoàn cảnh của Hải Anh mới được biết chồng tương lai của cô là một nhân viên văn phòng, và đại gia đình của anh ta đều sống trong một căn nhà?  Và chuyện va chạm mẹ chồng nàng dâu là khó tránh khỏi. Trường hợp của Hà Hương cũng tương tự. Do bị ám ảnh bởi những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu của những người đi trước để rồi đến thời điểm quan trọng trong cuộc đời thì cô lại lưỡng lự, không quyết đoán với lý do đơn giản là… sợ mẹ chồng.

Rõ ràng phải sống chung với gia đình nhà chồng với nhiều thế hệ,  mất khoảng trời tự do… những điều đó sẽ khiến không ít bạn trẻ trì hoãn “Ngày hạnh phúc” của mình.

Tôn thờ chủ nghĩa “độc thân”

Nhiều đôi uyên ương tuy yêu nhau thắm thiết, nhưng hễ một ai đó có nhắc đến chuyện hôn nhân, họ sẽ phản ứng lại ngay lập tức. Đơn giản theo suy nghĩ của nhiều bạn trẻ khi yêu thì cứ yêu hết mình còn đến đâu thì đến. Đó là tâm lý sống nhanh, sống thoáng mà trước đây chỉ có ở các nước phương Tây, nhưng hiện nay cách sống này dường như lại đang phổ biến ở Việt Nam. Một số bạn trẻ cho rằng hôn nhân chính là rào cản cho con đường sự nghiệp của chính mình. Khi có gia đình, có con, họ sẽ phải chuyên tâm lo lắng để ổn định hạnh phúc gia đình. Vì vậy mà sự nghiệp cũng sẽ bị bỏ bê. Ngoài sự nghiệp, thì những người theo chủ nghĩa độc thân còn rất thích những cuộc vui. Mà có gia đình thì chắc chắn sẽ làm những cuộc chơi bớt vui cũng như phải hạn chế hơn nữa.

Sùng bái sự độc thân, Anh Phương, nhân viên của một công ty truyền thông không bao giờ phải sống trong sự cô đơn. Vì đơn giản là quanh cô luôn có rất nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ, cộng với những “vệ tinh” luôn vây quanh, và Phương hài lòng với cuộc sống như vậy. Anh Phương cho rằng: “Cuộc sống luôn ngập tràn niềm vui, và độc thân như tôi cũng không có chỗ để cho sự cô đơn tồn tại. Ngoài áp lực công việc hiện giờ, mà khi có gia đình chắc tôi sẽ thích ứng được hoàn cảnh như vậy, tôi cũng có thể tự do đi chơi, và làm bạn với những người tôi thích”. Không chỉ có Anh Phương, rất nhiều bạn trẻ có tư tưởng khá “thoáng” trong cuộc sống thích một cuộc sống “độc thân”. Đa phần những bạn trẻ chạy theo phong cách sống của phương Tây này đều có tư tưởng khá hiện đại, hoặc những bạn trẻ đã từng được sống, học tại những nước phát triển… Nhiều bạn trẻ luôn cố gắng tìm kiếm những hình mẫu hoàn hảo, chính vì vậy, lối sống độc thân vẫn đeo đuổi họ theo năm tháng. Chính vì vậy, họ nên tập yêu những người không hoàn hảo để hoàn thiện bản thân mình hơn.


Phương pháp chữa bệnh “sợ… cưới”

Việc trì hoãn hôn nhân có tính hai mặt của nó. Xét ở góc độ tích cực khi các bạn trẻ đã tự lo cho mình một cuộc sống đầy đủ rồi mới tiến tới hôn nhân cũng giúp cho cuộc sống của họ sau này không bị chao đảo bởi những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, song ở một góc độ khác, việc trì hoãn hôn nhân có thể đưa tình yêu đến bến bờ của vực thẳm.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Ngọc đưa ra giải pháp: Việc sợ, hay ngại kết hôn đang âm ỉ sống trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện đại. Để giải quyết tâm lý ngại cưới thì chính những người trong cuộc phải tự giải quyết vấn đề của mình. Người trong cuộc nên đặt mục tiêu cho cuộc đời của mình. Cả hai người cùng đặt cho mình những mục tiêu, cùng tham khảo ý kiến góp ý đối phương. Nên hạn định cho mình những mốc quan trọng của cuộc đời. Khi đạt một số điều kiện cũng có thể giải quyết được một số vấn đề, cả hai có thể tiến tới hôn nhân ngay, vì vậy nên chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng để “lên xe hoa”. Vấn đề ngại cưới phần nào sẽ được xóa nhòa nếu như cả hai người luôn củng cố niềm tin cho nhau.

Nhiều bạn trẻ vẫn đặt ra những yêu cầu cao cho đám cưới của mình, đám cưới phải hoành tráng, lung linh, cỗ bàn sang trọng. Nhưng thật ra những điều đó không thật sự quan trọng. Các bạn trẻ vẫn ngại cưới khi trong tay mình chưa có nhà riêng, có phương tiện đẹp, thu nhập ổn định, có chỗ đứng trong xã hội… Nếu đặt chỉ tiêu cao như vậy, thì có lẽ phải đến những năm 40 tuổi, các bạn trẻ mới có cơ hội kết hôn lần đầu. Bất kỳ bạn trẻ nào đang mang trong mình nỗi lo sợ cưới cần biết tin vào bản thân, tạo thêm nhiều cơ hội để cả hai có thể hiểu nhau nhiều hơn nữa.