Khi đường phố biến thành nhà vệ sinh công cộng

ANTĐ - Những ngày qua, hình ảnh một người đàn ông ăn mặc lịch sự thản nhiên dừng xe ô tô, đứng tè bậy tại một ngã tư thuộc địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Do bức xúc, một số người đã có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng phải tìm bằng được người đàn ông này để xử lý.

Khi đường phố biến thành nhà vệ sinh công cộng ảnh 1

Cấm, phạt vẫn… tè

Nhức nhối nạn…“tè tường”

Là người đã chứng kiến khá nhiều cảnh tè bậy, anh Nguyễn Đình Xuân, ở khu đô thị Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy bày tỏ, việc tiểu tiện không đúng nơi, đúng chỗ của người Việt từ trước đến nay không phải là chuyện hiếm, song nếu điều này diễn ra ở ngay khu vực ngã tư nơi có mật độ người và phương tiện qua lại rất đông đúc và giữa ban ngày ban mặt thì không thể chấp nhận được. Điều đó thể hiện ý thức rất kém của cá nhân, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố nên cần bị xử lý nghiêm.

Với tâm trạng tương tự, ông Phạm Ngọc Sơn, cán bộ hưu trí phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cho rằng, đành rằng ai cũng có lúc “bí”, cần giải quyết ngay. Song, trong trường hợp này, lẽ ra người đàn ông đó nên điều khiển xe ra khỏi khu vực đông đúc, đỗ sát vào lề đường và “đi” nhờ nhà dân trong khu vực thì tốt hơn nhiều.

“Khi nhìn thấy cảnh tè bậy trên đường phố, phản ứng thường thấy của phụ nữ là nhanh chóng quay đi, đàn ông thì lờ tịt coi như không phải chuyện của mình, chỉ du khách nước ngoài là cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ. Công bằng mà nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống nhà vệ sinh công cộng của thành phố còn rất thiếu. Do vậy, việc người dân tìm được nơi để “giải quyết nỗi buồn” tại những nơi công cộng là không hề đơn giản. Nhưng nếu cứ lấy lý do này để tè bậy bất cứ chỗ nào thì hoàn toàn không nên” - ông Sơn chia sẻ.

Dù việc tè bậy khá phản cảm, song, hình ảnh này vẫn hiện diện hàng ngày trên mọi tuyến đường của Thủ đô. Chỗ nào chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bức tường, gốc cây ố vàng loang lổ với mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc. Thậm chí tại nhiều địa điểm, người dân đã trưng biển, kẻ chữ “Cấm đái bậy”, song người qua đường vẫn phớt lờ.

Lý giải về hiện tượng trên, Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, ngoài lý do thiếu nhà vệ sinh công cộng thì ngay tại những nơi có nhà vệ sinh vẫn xuất hiện cảnh người đi đường dựng xe, quay lưng vào tường và xả nỗi buồn chỉ vì… tiện.

Điều này cho thấy, việc tè đường đối với một số cá nhân đã thành thói quen nên họ không còn cảm giác xấu hổ. Đây chính là biểu hiện của sự thiếu ý thức, coi thường những người xung quanh. Ngay cả con đường gốm sứ - một công trình nghệ thuật có tiếng của Hà Nội - hiện cũng đã bị xuống cấp, ô nhiễm vì nạn tè bậy.

Khi đường phố biến thành nhà vệ sinh công cộng ảnh 2

Hồn nhiên dừng xe tè bậy giữa đường  

Vi phạm sẽ bị phạt 300.000 đồng

Không chỉ gây mất mỹ quan, việc dừng xe bừa bãi, tè bậy trên đường còn ảnh hưởng đến ATGT của chính người trong cuộc và những người đi đường, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc, điểm giao cắt với đường sắt hoặc những đoạn đường cấm dừng đỗ. Thực tế đã có không ít người gặp tai nạn giao thông do… tè bậy.

Cách đây không lâu, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua TP Vinh, Nghệ An, anh L.X.T (38 tuổi) đã dừng xe ven đường rồi trèo qua rào lên đường sắt để… tè. Do không quan sát, anh T đã bị đoàn tàu SY4 chạy tới đâm tử vong tại chỗ, làm trì hoãn việc lưu thông các đoàn tàu mất 1 giờ.

Liên quan đến hành vi trên, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe; tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư…

Ngoài ra, các đối tượng còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi thấy một số nhà vệ sinh, thậm chí còn bị chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác. Để xử lý dứt điểm nạn tè bậy, ngoài việc nhanh chóng bổ sung thêm hệ thống nhà vệ sinh, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và xử lý mạnh tay hơn nữa với những người tè bậy nơi công cộng…

Ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Ấn Độ… đã áp dụng các biện pháp mạnh để giải quyết nạn tè bậy như dùng loại sơn siêu chống thấm, có khả năng làm nước tiểu bắn ngược trở lại, hoặc dùng “xe bồn chống tè bậy” khi phát hiện có ai đó đang quay mặt vào tường hay gốc cây để “giải quyết nhu cầu”, chiếc xe này sẽ phun vòi rồng về phía người vi phạm. Còn tại Singapore, việc đi tiểu không đúng chỗ bị phạt tiền rất nặng.