Giáo sư trẻ nhất Việt Nam:

“Khi đứng trên bục giảng tôi như một người khác”

ANTĐ - Làm luận án Tiến sĩ khi mới 23 tuổi, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ toán học tại Pháp năm 26 tuổi. Năm 2007, Nguyễn Quang Diệu là một trong hai PGS trẻ nhất được công nhận khi anh vừa 33 tuổi. Tân GS.TS Nguyễn Quang Diệu (SN 1974) hiện đang là Phó chủ nhiệm bộ môn lý thuyết hàm, khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

- Sở thích theo ngành Toán của anh bắt nguồn từ khi nào và động lực gì giúp anh thành công trong lĩnh vực này?

- Bố tôi là GS Toán học, cho nên có thể nói tôi được sinh ra và lớn lên trong môi trường khoa học. Tôi bắt tay vào nghiên cứu toán học cao cấp vào những năm cuối khi học ở khoa Toán - Cơ - Tin học trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội). Khi đã bắt tay vào nghiên cứu khoa học thì động lực cho thành công của tôi có lẽ là do gia đình trước kia là bố mẹ và bây giờ là vợ, con tôi luôn động viên và chia sẻ mỗi khi tôi gặp khó khăn.

- Trở thành người trẻ nhất được phong hàm GS, anh vẫn tiếp tục công việc của mình trên bục giảng?

- Tôi đã công tác ở trường ĐHSP Hà Nội kể từ năm 2001. Tôi rất yêu thích công việc dạy học ở đây. Mỗi khi đứng lên bục giảng, tôi thấy mình như trở thành một con người khác với con người thực tế của tôi.

- Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học về chuyên ngành Toán hiện đại vậy công tác tại ĐH Sư phạm HN có thuận lợi và khó khăn gì với anh?

- Tôi thấy việc giảng dạy và NCKH ở ĐHSP Hà Nội rất thích hợp với tôi. Nó giảm bớt áp lực trong nghiên cứu và đồng thời mỗi khi lên bục giảng tôi lại có thể khơi gợi cho các sinh viên sự say mê nghiên cứu khoa học. Công việc của tôi ở Đức chỉ trong vòng 3 tháng và hoàn toàn chỉ nghiên cứu, nên tôi cũng chịu khá nhiều áp lực.

- Liệu điều kiện trong nước hiện tại có đáp ứng được yêu cầu của anh?

- Như tôi đã nói, việc giảng dạy giúp tôi cân bằng với công tác nghiên cứu. Ngoài ra, hàng tuần tôi có tham dự seminar của tổ Lý thuyết hàm do GS. Lê Mậu Hải chủ trì. Đây chính là “sân chơi khoa học” cho tôi và các bạn đồng nghiệp. Tất nhiên, mỗi khi có cơ hội, tôi lại đi nước ngoài ngắn hạn để trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế.

- Với việc được công nhận chức danh GS ở độ tuổi trẻ như vậy anh có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công với các bạn trẻ hiện nay?

- Tôi nghĩ để thành công trên con đường học vấn trước hết ngay ở trên ghế nhà trường, các bạn trẻ nên trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng, trước khi bắt tay vào những vấn đề lớn hay thời sự. Đó là kinh nghiệm của tôi khi tôi làm luận án Tiến sĩ toán học.

- Xin anh chia sẻ một vài thông tin về gia đình của anh?

- Mẹ và vợ tôi đều không làm trong ngành giáo dục và cũng không liên quan đến NCKH nhưng đều là những điểm tựa để bố, con yên tâm công tác. Các con tôi đều còn nhỏ, một cháu trai 4 tuổi và một cháu gái 2 tuổi. Gia đình nhỏ của tôi chính là nguồn cảm hứng để tôi giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

 Tân GS.TS Nguyễn Quang Diệu hiện là Phó Chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết hàm, khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Anh cho biết, do yêu cầu công tác ở Viện Nghiên cứu Max-Planck, CHLB Đức nên anh không kịp về dự Lễ công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 tổ chức vào ngày 12-11  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Được biết, tân GS.TS Nguyễn Quang Diệu hiện đang nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phức nhiều biến và lý thuyết đa thế vị. Đây là những hướng nghiên cứu đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học quốc tế. Anh đã xuất bản 35 bài báo khoa học. Trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE . Đánh giá về các công trình nghiên cứu của mình, tân GS.TS Nguyễn Quang Diệu cho rằng công trình của anh đang ở mức tiếp cận mặt bằng chung của toán học hiện đại. Với các thành tựu về nghiên cứu Toán học của anh, nhiều ĐH nổi tiếng thế giới như ĐH Phúc Đán - Trung Quốc (11-2009), ĐH Niigata (Nhật Bản) (6-2009 và 1-2011), ĐH Toulouse - CH Pháp (5-2011), Viện Max Planck - CHLB Đức (11-2011), ĐHQG Seoul và ĐHQG Chonnam - Hàn Quốc   (8-2009)... đã mời anh là cộng tác viên khoa học.