Khi đạo diễn phim nhựa làm phim truyền hình

(ANTĐ) - Thay vì dài cổ chờ làm phim nhựa, các đạo diễn hạng “sao” giờ đang “đổ bộ” sang làm phim truyền hình. Nhiều người trong cuộc thừa nhận họ làm thế vừa nhanh có phim, vừa chóng có… tiền.

Khi đạo diễn phim nhựa làm phim truyền hình

(ANTĐ) - Thay vì dài cổ chờ làm phim nhựa, các đạo diễn hạng “sao” giờ đang “đổ bộ” sang làm phim truyền hình. Nhiều người trong cuộc thừa nhận họ làm thế vừa nhanh có phim, vừa chóng có… tiền.

Phim truyền hình “Những thiên thần áo trắng” được coi là bước lùi của đạo diễn Lê Hoàng

Phim truyền hình “Những thiên thần áo trắng” được coi là bước lùi của đạo diễn Lê Hoàng

“Choáng” và… ngỡ ngàng!

Từng một mực tuyên bố sẽ chỉ làm phim nhựa và viết báo chứ không bao giờ bén mảng lại gần phim truyền hình, thế nên việc đạo diễn Lê Hoàng bỗng dưng quay phắt sang làm 40 tập phim truyền hình “Những thiên thần áo trắng” khiến nhiều người... sửng sốt. Càng “choáng” hơn bởi vị đạo diễn phim nhựa tài ba tuyên bố anh làm phim truyền hình vì loại phim này hiện nay quá…dở. Viết kịch bản cho phim truyền hình hóa ra quá dễ và thù lao cho cả biên kịch và đạo diễn quá cao.

Cũng vì tuyên bố gây “sốc” ấy mà bộ phim truyền hình đầu tay của anh bị người xem “nhặt sạn” kỹ khi lên sóng. Lẽ thường, càng kỳ vọng thì càng dễ thất vọng. Và Lê Hoàng với mối duyên mới với truyền hình đã không đủ sức tạo nên ngoại lệ. Phim vừa lên sóng đã tới tấp nhận về không ít phản hồi, mà đáng tiếc chủ yếu là…chê. Hóa ra Lê Hoàng làm phim về tuổi “teen” cũng chẳng có gì khác lạ, nếu không muốn nói là… xa lạ. Người ta nhận định làm phim truyền hình là một bước lùi của Lê Hoàng. Còn anh thì phản biện: “Kệ họ. Chả biết tôi có hơn ai không nhưng chẳng giống ai là điều chắc chắn!”.

Việc các đạo diễn phim nhựa “ba chìm bảy nổi” với phim truyền hình đến giờ vẫn là câu chuyện dài kỳ, nhiều tranh cãi và chắc chắc còn rất lâu mới tới hồi kết. Như việc đạo diễn Lưu Trọng Ninh với bộ phim truyền hình đầu tiên anh nhận làm từ kịch bản của người khác - “13 nữ tù nhân”. Đây không phải bộ phim truyền hình đầu tay của Lưu Trọng Ninh song có lẽ là bộ phim bị người xem “soi” kỹ nhất, cũng bởi khi ấy anh đang cùng lúc theo đuổi một dự án phim truyện nhựa quan trọng khác và người ta muốn biết anh sẽ “phân thân” thế nào để vẹn cả đôi đường. Thời điểm “13 nữ tù nhân” lên sóng, nhiều khán giả khó tính và kỳ vọng ở anh đã thẳng thắn bộc lộ sự ngỡ ngàng vì không tin nổi đó lại là tác phẩm của một đạo diễn nổi tiếng kỹ tính như Lưu Trọng Ninh. Còn anh thì ngậm ngùi thừa nhận phản ứng của người xem nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Và rằng đó có thể là một thất bại với anh.

“Lấn sân” để khỏi “cùn” chuyên môn…

Ấy là tâm sự rất thẳng thắn của đạo diễn tên tuổi Nguyễn Thanh Vân khi được hỏi về “nguồn cơn” khiến anh gần đây đột nhiên rẽ ngang sang làm cả tá phim truyền hình. Vị đạo diễn tài ba này từng có lúc nghĩ phim truyền hình là thể loại “mỳ ăn liền” dễ dãi và chưa từng có ý định bén duyên. Nhưng anh bảo đó là chuyện “khi người ta trẻ” của chục năm về trước, còn bây giờ thì cả anh lẫn vợ - đạo diễn Nhuệ Giang đều sẵn lòng làm phim truyền hình để “chiều lòng” những khán giả… lười đến rạp. Nhẩm tính ra anh bảo trung bình cứ 6 năm làm một phim truyện nhựa, khoảng thời gian này không dài nhưng cũng không ngắn để một đạo diễn Việt Nam theo đuổi dòng phim nghệ thuật, thế nên lúc “nông nhàn” vẫn muốn thử sức với phim truyền hình, vừa có thêm thu nhập, lại không “cùn” chuyên môn. 

Nhiều đồng nghiệp nói vui Thanh Vân… “khôn” vì toàn Nam tiến để làm phim truyền hình, phim phát trên các kênh địa phương trong đó, khán giả ngoài Bắc - những người xem “kén” phim và hay “nhặt sạn” nhất - ít có dịp theo dõi nên phim của anh tránh được “búa rìu” dư luận. Còn vị đạo diễn tài ba chỉ cười hiền “có người kịch bản rất dở vẫn nhận làm, nhưng tôi thì hơi dở là từ chối, có lẽ bởi thế mà tránh được. Tuy vậy vị đạo diễn nổi danh với “Đời cát” cũng mong khán giả có một cái nhìn thoáng hơn với những đạo diễn phim nhựa “nhảy” sang làm phim truyền hình như anh, có chăng chỉ nên so sánh tốt hay dở trong mặt bằng phim truyền hình bởi: “Làm một bộ phim truyền hình hay có khi còn khó hơn làm phim nhựa!”. 

Câu hỏi lớn, chưa người… đáp!

Ở góc độ khác, có một số đạo diễn trẻ được đào tạo về làm phim nhựa nhưng chưa kịp “ngấm” nghề với thể loại phim này đã phải rẽ ngang sang làm phim truyền hình. Nói như lời của đạo diễn trẻ Võ Hoài Nam, dù “ăn lương” đạo diễn phim nhựa ở Hãng phim truyện Việt Nam đã vài năm nay song anh vẫn chưa có dịp thử sức với dự án phim nhựa nào, cũng bởi: “Một năm chỉ có vẻn vẹn vài phim nhựa được làm mà còn biết bao “cây đa, cây đề” phủ bóng. Thế nên đến giờ gia tài phim do anh làm đạo diễn mới chỉ có bộ phim truyền hình… giả nhựa “Hoa mua đầu núi”.

Cũng như vậy, đồng nghiệp của anh ở Hãng - nghệ sĩ Quốc Tuấn ở độ tuổi U40 và chuyển sang đứng chân ở vai trò đạo diễn đã lâu nhưng phải đến bây giờ mới rậm rịch trình làng tác phẩm đầu tay, song đó lại là series phim truyền hình dài tập chứ không phải một bộ phim truyện nhựa. Tuy vậy, xem các bộ phim do đồng nghiệp mình làm, kể cả những đồng nghiệp thuộc hàng “cây đa, cây đề” trong làng phim truyện nhựa, Võ Hoài Nam rầu lòng thổ lộ: “Có những phim tôi phải bỏ bữa để xem, nhưng cũng có những phim vừa làm việc vừa nghe vẫn hiểu được, đạo diễn phía Bắc nếu không vì một lý do tế nhị nào khác, chắc sẽ không làm những phim có nội dung không sâu sắc như thế”.

Khi thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình ngày càng được nới rộng, trong khi tần suất cho “ra lò” một bộ phim truyện nhựa vẫn cứ đều đều như trước thì việc các đạo diễn phim nhựa “nhảy” sang làm phim truyền hình chẳng có gì khó hiểu. Bản thân đạo diễn Trọng Trinh - Trưởng phòng Nội dung III của VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) cũng thừa nhận nếu chỉ dựa vào “chất xám” của anh em nghệ sĩ trong hãng thì VFC không “bao sân” nổi ngần ấy phim lên sóng.

Vì thế việc mời các đạo diễn bên ngoài, nhất là các đạo diễn có thương hiệu ở dòng phim nhựa là điều cần thiết. Tuy vậy, xem nhiều phim do đồng nghiệp có “thương hiệu” của mình làm, anh cũng thừa nhận chính mình cũng nhiều lần ngạc nhiên đến độ sửng sốt: “Có những đạo diễn làm phim nhựa nổi tiếng mà làm phim truyền hình chưa chắc đã xem được. Đó là điều tôi vẫn thường đánh dấu hỏi tại sao lại như thế?”. Âu đó có lẽ cũng là câu hỏi lớn khi dòng chảy “chất xám” từ phim nhựa đang ồ ạt đổ về phim truyền hình mà vẫn chưa chiều lòng và thỏa mãn được người xem diện rộng.

Bích Hậu