Khi đàn ông làm "Ôsin" trong bệnh viện

ANTĐ - Để nuôi 4 miệng ăn trong gia đình với người vợ bị liệt nửa người, đứa con thì điên dại, người đàn ông ấy phải nhận làm thuê đủ thứ việc trong bệnh viện. Cả 5 con người vừa già vừa trẻ trong gia đình ông lay lắt bám víu cuộc sống qua ngày bên góc nhỏ bệnh viện. Cuộc đời họ như những cung bậc dẫn tới sự bất hạnh tột cùng.

Khi đàn ông làm "Ôsin" trong bệnh viện ảnh 1

Cuộc sống khốn cùng

Có lẽ không ai có thể cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh khốn khó của gia đình ông Lương Sen (59 tuổi, trú tại thôn Chu Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Ông có 3 người con, đứa đầu đã ngoài 30 tuổi, nhưng vì chứng bệnh thần kinh, nên ông phải lo từ cái ăn cho tới cái mặc.

Đứa con trai thứ hai thì đi biệt xứ bao năm nay chưa về. Riêng bé út mới học xong lớp 9, thấy gia cảnh khó khăn nên muốn nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp bố, nhưng ông Sen một mực không chấp nhận. Dù có nghèo, có bán bao nhiêu sức lao động ông cũng phải cố gắng cho con học hành tử tế. Cách đây 2 năm vợ ông bị chứng tai biến - liệt nửa người. Thế là cuộc sống khó khăn lại tăng lên gấp bội, đè nặng trên đôi vai gầy của ông Sen.

Giọng trầm buồn, ông Sen tâm sự về cuộc đời đầy bất hạnh của mình. Ông sinh ra và lớn lên tại một xóm chài nghèo quanh năm chỉ có gió và cát thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Cả tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày cơ cực. Khi lớn lên, lập gia đình, ông phải ở rể nhà vợ. Mặc dù khó khăn nhưng ông vẫn gồng mình bám trụ để lập nghiệp. Rồi sau đó, những đứa con lần lượt chào đời. Ở vùng quê nghèo này, kiếm được miếng cơm ăn hàng ngày cũng đã khó khăn, nay lại thêm một đàn con thơ nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn,  kinh tế gia đình ông ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng. 

Cùng thời gian đó, trong làng có một số người đi làm phụ xe khách đã bày cho ông đi theo kiếm tiền. Sau một đêm bàn bạc, tính toán với vợ, ông Sen quyết định đi theo nhóm trai làng làm phụ xe. Lúc đi ông mang trong mình một hy vọng sớm thoát khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, thu nhập của gia đình ông sẽ dần dần ổn định. Nhưng số phận trớ trêu, những bất hạnh không hẹn trước cứ dồn dập đổ xuống gia đình ông.

Lúc đầu là vợ ông đang khỏe mạnh bỗng dưng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nằm bất động một chỗ. Ông buộc phải từ bỏ công việc phụ xe để ở nhà chăm sóc vợ. Thương vợ, ông mang hết số tiền hai vợ chồng chắt chiu dành dụm bao nhiêu năm để chữa bệnh cho vợ. Thế nhưng tiền bạc, rồi tài sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi mà bệnh tình vợ ông chẳng hề thuyên giảm.

Ông Sen lại chạy vạy khắp nơi vay mượn bạn bè người thân để điều trị bệnh cho bà. Chưa hết cái khổ, cái nghèo thì hay  tin đứa con trai đầu bị mắc chứng bệnh thần kinh. Ông cảm thấy như mình bị gục ngã. Nhiều lúc ông nuốt nước mắt mặn chát vào lòng, để che giấu nỗi buồn. Cuộc sống gia đình ông Sen lâm vào cảnh đau khổ và thất vọng tột cùng.

Cha nghèo “làm mướn” nuôi vợ, con

Cuộc sống lâm vào bế tắc, ông Sen phải bán căn nhà nhỏ, cơ nghiệp mà hai vợ chồng gây dựng bao nhiêu năm để có tiền chữa bệnh cho vợ và con. Suốt ngày ông phải túc trực trong bệnh viện để chăm sóc vợ và đứa con trai. Bé út thì còn quá nhỏ và còn phải đến trường. Bế tắc, ông Sen đành đi khắp bệnh viện làm thuê sống qua ngày đoạn tháng. Biết hoàn cảnh của ông nên mọi người trong bệnh viện ai cũng tạo điều kiện cho ông có thêm chút tiền lo cho cuộc sống hàng ngày và chữa bệnh cho vợ con. Thế là từ đó ông Sen vừa chăm sóc vợ, vừa đi làm “ôsin” cho những bệnh nhân có con cái ở xa, hoặc bận việc không thể đến chăm được. 

Khi nói về công việc đang làm, ông tâm sự: “Với những bệnh nhân nặng như cấp cứu, phục hồi chức năng thì người nhà bệnh nhân sẽ phải thuê đến 2 người giúp việc thay nhau chăm sóc, nhưng tôi nhận làm một mình để kiếm thêm thu nhập, bây giờ chỉ có công việc này mới nuôi sống được gia đình tôi”. Ông Sen hiện đang chăm sóc một bệnh nhân lớn tuổi do tai nạn bị hôn mê đang cấp cứu.

Do quen với việc chăm sóc người bệnh, lại sạch sẽ, chỉn chu, nên ông rất được lòng gia chủ. Chị Hằng - một người vào chăm người nhà trong bệnh viện kể: “Công việc chăm sóc bệnh nhân vô cùng vất vả, phải thức không ngủ 1, 2 ngày là chuyện bình thường. Thế nhưng ông Sen vừa chăm bệnh nhân, vừa chăm sóc vợ con. Dẫu biết rằng công việc này so với một người đàn ông là rất vất vả, ông Sen tuổi đã già yếu nhưng vì hoàn cảnh gia đình, ông phải chịu đựng”.

Nghề chăm bệnh nhân trong bệnh viện giống như “làm dâu trăm họ”, những gian nan, vất vả, đôi khi là cả nỗi oan ức khi chăm sóc người già là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, công việc như ông Sen còn đòi hỏi lòng trung thực, sự kiên nhẫn, tính chịu đựng và lòng yêu thương con người. Bởi, để chăm sóc những người ốm yếu, ông Sen hầu như phải lo tất cả, từ miếng ăn, giấc ngủ đến tắm rửa, vệ sinh cho họ. Đến bữa, ông lại xuống căng-tin mua cơm hộp cho vợ, con.

Còn ông thì ăn mì tôm để tiết kiệm ít tiền dành hôm sau. Tối đến ông trải chiếu ngủ dưới nền đất lạnh. Ông Sen chia sẻ: “Tôi mồ côi cha, cuộc sống cơ cực từ nhỏ. Giờ tôi chỉ muốn 1 trong 3 đứa con tôi được ăn học đến nơi đến chốn để sau nay đỡ khổ. Để chúng nó được học, vợ tôi khỏe lại, phải làm gì, khó khăn mấy tôi cũng chịu được”. 

Bác sỹ Nguyễn Thị Tuyết (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cho biết: “Hầu hết các “ôsin” bệnh viện đều là người dân ở vùng xứ Quảng lên đây làm việc. Ban đầu chỉ vài người nhưng sau này họ giới thiệu lẫn nhau. Họ đến với công việc này đều là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Điển hình như gia đình ông Sen, vợ liệt nửa người, con bị bệnh, mọi khó khăn do ông gánh vác. Nhiều lúc nhìn ông tắm rửa vệ sinh cho các bệnh nhân trong bệnh viện, tôi không cầm nổi nước mắt”.