Khi đã báo động, Việt Nam mới quan tâm đến bệnh không lây nhiễm

ANTĐ -Tại hội thảo các chính sách phòng, chống bệnh không lây nhiễm diễn ra ở Hà Nội ngày 14-5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh không lây nhiễm không chỉ là gánh nặng riêng của các nước giàu mà ngay với Việt Nam cũng đã ở mức báo động.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu hiện nay được ghi nhận là do bệnh không lây nhiễm, trong đó tỷ lệ này ở nước phát triển cao gấp 2 lần nước đang phát triển. Tuy nhiên nếu vì thế mà nghĩ đây là bệnh của nước giàu thì là một quan niệm sai lầm.

Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, là gánh nặng lớn về y tế của Việt Nam

“Sau một một thời gian dài chúng ta bỏ qua không quan tâm, đến khi có tình trạng báo động ta mới quan tâm. Hiện các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng với tốc độ nhanh. Trên toàn quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 500.000 ca tử vong thì hơn 72% là do các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn…” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì mắc suốt đời nhưng có thể dự phòng. Việt Nam đã có chính sách mạnh trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên việc triển khai thực hiện ra sao vẫn là điều cần lưu ý.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quá trình triển khai chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam chậm hơn so với quốc tế. Do vậy, Bộ Y tế cần có các hoạt động thúc đẩy các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm, phải “giải quyết ngay từ bây giờ, chờ vài năm nữa việc đối phó sẽ càng thêm vất vả”.

Tại hội thảo, bác sĩ Socorro Escalante, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam đang cao hơn mức bình quân của thế giới. Đáng lo ngại là những bằng chứng gần đây cho thấy người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.