Khi “cơn lốc lô đề” tràn về ngoại ô

ANTĐ - Liên tiếp xảy ra các vụ án cho thanh thiếu niên vay tiền đánh bạc, chơi lô đề rồi thuê côn đồ đến gia đình “con nợ” uy hiếp, dằn mặt buộc trả tiền hoặc thế chấp tài sản trong thời gian qua cho thấy phương thức, thủ đoạn gây án của bọn tội phạm ngày càng tinh vi.

Nhóm côn đồ đòi nợ thuê


Mồi “nhử quý tử”

Trở lại huyện Đan Phượng tìm gặp nạn nhân của vụ án bắt giữ người để xiết nợ, anh Th ở thị trấn Phùng khi nhắc lại câu chuyện cũ không giấu nổi vẻ sợ hãi. “Do mê lô đề cờ bạc, tôi đã “xoay” nhiều tài sản của gia đình đem cầm cố để chơi. Hết tiền, tôi đến hỏi vay của H (một chủ hiệu cầm đồ) trong thị trấn với lãi cắt cổ” - Th cho biết. Anh Th đã vay của H 2 lần với tổng số tiền 130 triệu đồng, cùng lãi suất 10 nghìn đồng/triệu/ngày. Tuy nhiên, trước khi trao tiền chủ cửa hàng cầm đồ cắt ngay 13 triệu đồng tiền lãi. H nắm khá rõ về hoàn cảnh gia đình cùng căn nhà khang trang giữa phố huyện của bố mẹ Th. Gần 1 tuần, toàn bộ số tiền trên đã được Th quy đổi ra hàng trăm “điểm” lô cùng “nuôi” rải 1 dãy số đề, thâu đêm đánh bạc ở các sới tá lả, 3 cây. Cạn túi, Th đi lang thang ở quán net không dám về nhà.

Không dừng lại ở việc cho vay tiền lãi suất cao để đánh bạc, Nguyễn Văn Vinh (SN 1967, ở xã Tân Hội) còn là đại lý ghi lô đề cho các đệ tử của trò đỏ đen. Lúc khách trúng đậm sẽ cho Vinh ít “lộc”, còn khi thua thì các “con bạc” ghi sổ nợ nhằm gỡ gạc. Chẳng thế mà, anh Y và T người cùng xã với Vinh người nợ 40 triệu và 60 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi, các “con bạc” kiêm “con nợ” chây ỳ không chịu trả tiền. Đỉnh điểm của vụ việc trên, chủ nợ cùng nhóm côn đồ đến tận gia đình đập phá đồ đặc, đe dọa buộc trả tiền hoặc phải thế chấp tài sản.

Trong thời gian gần đây, một số huyện khác cũng nổi lên các vụ cưỡng đoạt tài sản mà chủ nợ cùng người đi vay chỉ từ 18-25 tuổi. Điển hình vụ xiết nợ xảy ra tại huyện Thường Tín, đối tượng Nguyễn Đức Thoại đã cho nam thanh niên tên là Hải, SN 1987 vay 40 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi nợ không thành, Thoại cùng một nhóm thanh niên cầm kiếm đến nhà Hải lao vào đánh người và bắt nợ 1 chiếc công nông đầu ngang trị giá 50 triệu đồng cùng 19 triệu đồng tiền mặt. Cách đây mấy ngày, huyện Phú Xuyên cũng xảy ra hiện tượng chủ nợ Vũ Văn Nam, SN 1993 thuê một nhóm thanh niên đến đập phá quán tạp hóa nhà “con nợ” để đòi số tiền 265 triệu đồng, trong đó có 65 triệu đồng tiền gốc.

Vay tiền quá dễ…

Trung tá Nguyễn Ngọc Định, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAH Thường Tín cho biết, các đối tượng chủ nợ thường nhắm vào những thanh niên trẻ, ham chơi, đua đòi, sớm sa chân vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… là con, em các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có nhiều đất đai hoặc tài sản có giá trị. Khi đến thời hạn, “con nợ” không có khả năng thanh toán, đối tượng sẽ đem giấy nợ đến nhà, dùng mọi thủ đoạn để uy hiếp, đe dọa.

Một điều tra viên, CAH Phú Xuyên nhận định, thực ra khi cho những thanh niên “vô công, rỗi nghề” vay tiền, các đối tượng đã để ý tới tài sản, những lô đất nằm trong diện quy hoạch của gia đình nạn nhân. Và tất nhiên, các bậc phụ huynh sẽ là người đứng ra thanh toán khoản nợ trên để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Phần lớn các chủ nợ chỉ vừa học xong cấp 3, gia đình làm nông nhưng đã có số tiền hàng chục triệu đồng cho vay. Nhiều phụ huynh khi được hỏi lắc đầu không rõ nguồn gốc số tiền trên, thậm chí có người biết rõ hành vi vay tiền từ người này đem cho người khác vay với lãi suất cao để ăn chênh lệch nhưng đành bất lực trước tính ngang ngược của đứa con hư hỏng. Như trường hợp của Vũ Văn Nam, trú ở huyện Phú Xuyên đã lấy uy tín của bố mẹ đi vay tiền của người này đem cho người khác vay và tiêu xài cá nhân. Khi cơn bão tín dụng đen bị vỡ, Nam một mặt thuê người đi đòi nợ, mặt khác đem bảng danh sách chủ nợ về yêu cầu bố mẹ thanh toán.

Trong khi đó, việc thu thập tài liệu, xác định hành vi phạm tội của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ chính gia đình người bị hại. Thiếu hiểu biết về pháp luật, sợ bị trả thù, nhiều người đã “ngậm đắng, nuốt cay” vay mượn để trả nợ. Chính sự im lặng của gia đình đã tiếp tay cho hành động sai trái của đối tượng và nạn nhân. Hiện tượng này đã và đang là một trong những yếu tố gây phức tạp thêm tình hình ANTT tại các địa phương.