Khi chủ nhà gài bẫy người giúp việc...

ANTĐ - Ngày 11-3, một phụ nữ Singapore đã sa vào vòng lao lý vì “gài bẫy” người giúp việc lấy đồ trang sức của bà ta, rồi gọi điện trình báo cảnh sát. Vụ việc cho thấy, bất đồng giữa chủ nhà và người giúp việc ở đảo quốc Sư tử ngày càng tăng.

Khi chủ nhà gài bẫy người giúp việc... ảnh 1Do thù ghét, một số chủ đã gài bẫy và tố cáo người giúp việc ăn cắp

“Món quà” biến thành vật mất cắp

Những tháng vừa qua là địa ngục đối với nữ giúp việc tên Juvy. Hồi tháng 4-2014, cô đâm đơn kiện lên Bộ Nhân lực Singapore vì không được gia đình chủ trả lương. Người chủ sau đó cũng báo cảnh sát, cáo buộc Juvy ăn trộm. Do không có bằng chứng nên đơn trình báo bị hủy bỏ. Bực tức vì cô giúp việc người  Philippines chưa vào tù, người chủ tiếp tục trình báo chính quyền Juvy quấy rối tình dục con của cô ta. Một lần nữa, tháng 10-2014, vụ việc sau đó được khép lại với lý do tương tự như trên. Trong suốt thời gian phục vụ điều tra, Juvy được Tổ chức nhân đạo di dân kinh tế (HOME) sắp xếp nơi ăn ở, nhưng cô bị cấm tìm kiếm việc làm và phải chờ đợi đến khi có kết luận điều tra.

Câu chuyện của Juvy chỉ là một trong nhiều sự việc rắc rối liên quan tới người lao động nhập cư. Tuần trước, giáo viên mầm non người Ấn Độ 36 tuổi Desai Asti Amit đã lĩnh án 7 tuần tù giam vì cung cấp thông tin sai sự thật cho nhà chức trách. Vụ việc bắt đầu từ năm ngoái khi Amit khó chịu vì người giúp việc Kimei Dangmei muốn xin trở về Ấn Độ. Cô ta đã giấu dây chuyền bằng vàng vào hành lý của Dangmei và nói với cảnh sát bị đánh cắp. Được biết, tại Singapore, hình phạt nặng nhất đối với cá nhân khai man trong những vụ việc tương tự là 1 năm tù và bị phạt 5.000 đô la Singapore.

Cuối cùng, do lương tâm cắn rứt, Amit thú nhận rằng cô nói dối. Theo Giám đốc điều hành tổ chức HOME Jolovan Wham, rất ít khi người chủ tự thú trong các vụ việc tương tự. Tổ chức HOME đã tuyên truyền để bảo vệ người giúp việc yếu thế trong thời gian dài, nhưng những câu chuyện như của Juvy minh chứng rằng nhiều người giúp việc tại Singapore đang khó tiếp cận với công lý.

Giám đốc của HOME cũng cảnh báo, người giúp việc nên cảnh giác trước những đồ vật giá trị được chủ tặng, bởi khi xảy ra bất đồng, “món quà” có thể trở thành tài sản bị mất cắp và người giúp việc sẽ bị cáo buộc phạm tội. 

Đau đầu xử lý

Theo các công ty cung cấp người giúp việc, khi bất đồng xảy ra, một số chủ lao động thường nói rằng người giúp việc không trung thực. Ông Gabriel Ee - Giám đốc Công ty Island Maids cho biết: “Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp chủ cáo buộc người giúp việc trộm cắp. Nếu có bằng chứng rõ ràng như đoạn video quay lại vụ trộm, công ty sẽ tư vấn  2 bên tới cơ quan chức năng trình báo”.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khiến các công ty cung cấp nhân lực phải đau đầu, do các bên liên quan đều có lý do để bóp méo sự thật. Theo Công ty Striker Employment, người chủ có thể vu cáo người giúp việc vì nhiều lý do, chẳng hạn do ghen tuông khi thấy chồng quan tâm tới nữ giúp việc. Khi đó, có người giúp việc quyết ăn thua đủ bằng cách chọc giận bà chủ với mục đích làm mất hiệu lực hợp đồng lao động. 

Cũng có tình huống, người sử dụng lao động lách luật. Họ muốn đổi nhân viên giúp việc nhưng không muốn trả phí đổi người trước khi hợp đồng lao động kết thúc (khoảng từ 300 đô la Singapore), nên khai man việc người giúp việc không trung thực hay có thái độ hỗn láo. Theo ông Gabriel Ee, công ty của ông luôn tìm cách dàn xếp ổn thỏa giữa gia đình chủ và người giúp việc nhưng đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn.