Khi cha mẹ dùng bạo lực để bênh con: Cần xử lý nghiêm để làm gương!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc khi thấy con mình bị bắt nạt, một phụ huynh đã vào lớp túm tóc, đánh bé 2 tuổi ở một trường mầm non tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Liên tiếp các vụ hành hung trẻ em

Hiện tại, bé gái bị đánh ở Lào Cai được điều trị tại Bệnh viện thành phố Lào Cai trong tình trạng sức khỏe đã ổn định. Cháu không khóc, các vùng bị đánh trên mặt không có vết hằn sưng. Tuy nhiên, bé vẫn sợ sệt, hoảng loạn khi gặp người lạ.

Liên quan đến sự việc này, Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT cho rằng đây là hành vi thô bạo, vi phạm quyền trẻ em. Vụ đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm người vi phạm để răn đe.

Hình ảnh người đàn ông đang "dạy dỗ" bé gái 2 tuổi được cắt từ clip

Hình ảnh người đàn ông đang "dạy dỗ" bé gái 2 tuổi được cắt từ clip

Tương tự, mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện đoạn video quay cảnh một người đàn ông đánh một cậu bé khi bé này đẩy ngã con anh ta xuống đường khi đi xe đạp.

Mở đầu đoạn video là cảnh một nhóm trẻ nhỏ chơi xe đạp trong khu dân cư. Khi một em nhỏ đạp xe đi tới thì bị bạn chặn lại và đẩy ngã xuống đường. Em này đứng dậy chống trả thì tiếp tục bị bạn đánh.

Thấy vậy, một người đàn ông được cho là bố của cậu bé đi xe đạp bị đẩy ngã nhanh chóng lao tới, vung tay tát thẳng vào đầu cậu bạn của con trai. Cú tát mạnh khiến cậu bé loạng choạng ngã xuống xe đạp. Sau đó, ông bố dựng xe cho con trai đi tiếp.

Liên quan đến các vụ việc phụ huynh hành hung bạn của con mình khi thấy con bị bắt nạt, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, thực tế, có không ít phụ huynh bênh con, cháu mình bất kể đúng sai. Việc cha mẹ bênh con thái quá, thậm chí dùng bạo lực để thể hiện điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách trẻ. Nó sẽ khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại, thụ động, khi vướng mắc phát sinh có xu hướng nhờ cha mẹ giải quyết.

Ngoài ra, đứa trẻ được cha mẹ bênh chằm chặp thường ích kỷ, không biết phân biệt phải trái, thậm chí sẽ có hành động bạo lực khi sự việc không được theo ý mình.

Dù với lý do gì, hành vi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những bậc phụ huynh đối với những đứa trẻ là không thể chấp nhận được. Ở độ tuổi này, trẻ chưa thể nhìn nhận vụ việc bằng con mắt của người lớn, có thể tranh nhau đồ chơi, bắt nạt bạn là bình thường.

“Khi thấy con mình rơi vào tình huống này, phụ huynh nên động viên, dỗ dành, trấn an trẻ, nói chuyện với cô giáo để tạo môi trường an toàn cho con mình, trò chuyện với trẻ có hành vi bạo lực để các em nhận ra lỗi, đồng thời trao đổi với giáo viên, phụ huynh em đó đề nghị cùng hỗ trợ trong việc giáo dục con em mình” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhấn mạnh.

Xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm trẻ

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của những người đàn ông trong các clip trên là rất đáng lên án và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hành vi đó cho thấy người đối tượng thực hiện không chỉ thiếu văn hoá, không có tình người mà còn tham lam, ích kỷ và rất côn đồ. Nó vi phạm quyền trẻ em, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các em. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Về xử lý hành chính, theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015 với mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là tù chung thân.