Khi cần nhượng bộ

ANTĐ - Người nọ mua về một con gà trống. Ngày ngày con gà báo sáng rất đúng giờ, song chẳng bao lâu sau, bị chủ đem giết thịt. Người chủ tiếp tục đi chợ mua về con gà trống khác, con gà gáy sáng mỗi ngày, nhưng chỉ được vài hôm lại trở thành món ăn. Tới con gà thứ 3, dù vẫn gáy sáng đúng giờ như 2 con trước, cũng không “thọ” được lâu, bị chủ giết thịt không thương tiếc.

Hàng xóm lấy làm lạ, hỏi người nọ: “Mấy con gà đó đều báo sáng rất chuẩn, sao anh cứ giết thịt hết rồi lại mua, lại giết?”. Người nọ trả lời: “Vì sáng ra tôi có thói quen dậy muộn, mà chúng lại báo thức sớm”. “Đó không phải là lỗi của mấy con gà, thiên chức của gà trống là báo thức”, người hàng xóm căn vặn. “Cái đó tôi không cần biết, tôi mua gà trống về chỉ để nó đạp mái, chứ không phải để gáy sáng”. “Nhưng gà trống thì không thể không gáy sáng, lẽ nào anh không thể tìm ra cách khác để giải quyết vấn đề à?”. “Việc này rất khó”, người nọ thản nhiên, “Tôi cũng định cắt cổ họng chúng, rồi tính cả cách buộc mỏ chúng vào, nhưng kiểu gì cũng thấy phiền toái, nên giết quách cho xong”. “Vậy sao anh không thử thay đổi thói quen dậy muộn đi?”, người hàng xóm càng thấy khó hiểu. Người nọ nghe xong bèn gạt phắt đi: “Sao có thể thay đổi thói quen được. Mấy chục năm nay tôi đã dậy muộn, việc gì phải vì một con gà trống mà thay đổi? Với lại, tôi là chủ, vật nuôi phải phục tùng, nếu hành vi của chúng mâu thuẫn với thói quen của tôi, thì chúng phải hy sinh, chứ không phải tôi”. Về sau, người đó vẫn cứ tiếp tục mua gà trống về, rồi giết bỏ.

Trong cuộc sống, con người có thể gặp rất nhiều tình huống mâu thuẫn khác nhau, nhưng người ta đôi khi chỉ vì không chịu nhượng bộ mà phải trả những cái giá lớn hơn. Anh thích ứng với người ta, hay người ta thích ứng với anh, phải tùy tình huống, chứ không thể lúc nào cũng cứng nhắc mà phán quyết.