Chuyện tình... người điên (3):

Khi bệnh nhân tâm thần “phải lòng” bác sĩ điều trị

ANTĐ - Bệnh nhân tâm thần tuy không ổn định về thần kinh, nhưng họ vẫn có ý thức yêu ghét, vui buồn như những người bình thường khác.

Chỉ có điều diễn biến của các trạng thái tâm lý tình cảm ấy diễn ra rất bất thường, gây nên những chuyện dở khóc dở cười. Đặc biệt là khi họ yêu hoặc ghét chính bác sĩ đang điều trị cho mình.

Bác sĩ biến thành “kẻ phụ tình”

Khi được hỏi về chuyện bệnh nhân tâm thần yêu bác sĩ điều trị, bác sĩ Dũng không ngần ngại kể câu chuyện đời của mình. Lúc đó, ông mới tốt nghiệp đại học, cả tuổi đời và tuổi nghề vẫn còn rất trẻ. Do đặc thù công việc không giống như các y, bác sĩ ở các khoa khác, bác sĩ khoa tâm thần dù mới ra trường hay đã làm việc lâu năm cũng đều phải trực tiếp thăm khám bệnh nhân. Khi bệnh nhân có biểu hiện lên cơn thì người mới bước vào nghề cũng không được nề hà, e ngại. Nhẹ thì khuyên bảo dỗ dành còn nặng phải nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Hồi đó bác sĩ Dũng mới vào nghề nên được giao phụ trách một ca bệnh loạn thần cấp, bệnh nhân là một cô gái bị người yêu bỏ, tên là L.

L rơi vào tình trạng sốc, có biểu hiện rối loạn tâm thần, được người nhà đưa vào bệnh viện. Sau một thời gian điều trị, tình trạng của L cũng dần đi vào ổn định. Theo thói quen, sáng nào ông cũng đến tận giường bệnh để thăm khám cho bệnh nhân. Từ những lời lẽ hỏi han ân cần, cô bệnh nhân đem lòng yêu chàng bác sĩ trẻ từ lúc nào không biết. L luôn tìm cách để bác sĩ phụ trách phải ngồi nghe cô kể lể, một ngày cô không gặp được bác sĩ là cô bỏ ăn.

Sau một thời gian, cô chuyển sang viết thư. Đầu tiên là những lá thư thăm hỏi hoàn cảnh rồi sau đó là bày tỏ tình cảm. Nhận được thư, chàng bác sĩ trẻ hoảng hồn không biết xử trí ra sao, đành tìm cách tránh mặt. Nhưng L lại khóc lóc bỏ cơm hay cố tình có những biểu hiện khác thường khiến người nhà buộc phải gọi bác sĩ xuống. Dùng những lời lẽ nhẹ nhàng phân tích không được, bác sĩ Dũng đành xin đổi phòng để không phải gặp cô bệnh nhân “nhạy cảm” này. Tuy nhiên L vẫn tìm mọi cách để có thể gặp được ông. Trong một lần mất bình tĩnh, ông đã nặng lời với L. Nghe chưa dứt những lời bác sĩ mắng thì cô đã lăn ra bất tỉnh.

Điều trớ trêu không chỉ dừng lại ở đó mà vài ngày sau, vào buổi trực chỉ còn lại một mình bác sĩ Dũng ở trong phòng, L đã lao đến gí dao vào cổ bác sĩ, miệng không ngừng gào thét bảo ông là đồ lừa đảo phụ tình. Mọi người nghe tiếng thét chạy đến nhìn thấy cảnh tượng đó đều không biết phải xử trí thế nào. May sao bác sĩ trưởng khoa kịp thời có mặt thì mọi chuyện mới được giải quyết ổn thỏa khi ông dùng lời lẽ ngọt ngào để “cứu” đồng nghiệp trẻ tuổi khỏi tình thế dở khóc dở cười. Còn với bác sĩ Dũng thì đó là bài học không bao giờ có thể quên được trong đời làm nghề của mình.

Tại y tá giống người yêu cũ

Cũng theo bác sĩ Dũng, với bệnh nhân tâm thần thì không chỉ có lúc họ bị kích động mới nguy hiểm mà cả những lúc bình thường họ cũng rất dễ bị bột phát. Vậy nên bác sĩ phải hết sức khéo léo nếu không rất dễ đẩy mình vào tình thế nguy hiểm. Còn với y tá H, mỗi lần nhớ lại chuyện từng bị bệnh nhân nam yêu thầm và uy hiếp, cô vẫn còn cảm thấy lạnh cả gáy.

Chuyện xảy ra cách đây đã gần 5 năm. Hôm đó, vào buổi tối như thường lệ, H đi kiểm tra các phòng bệnh để đảm bảo các bệnh nhân đã được phát thuốc đầy đủ. Trên đường quay về phòng trực, bất ngờ cô bị một bệnh nhân nam ôm chầm từ phía sau. Anh ta vừa ôm chặt không cho cô thoát, vừa tỏ tình bằng những lời lẽ yêu thương ngọt ngào nhất. Rất may một đồng nghiệp nam nghe thấy đã chạy ra ứng cứu kịp thời, giúp cô thoát khỏi bệnh nhân kia.

Bệnh nhân ấy bị khống chế vừa giãy giụa vừa gào bới chửi rủa, làm ầm ĩ cả một góc bệnh viện. Sau buổi hôm đó, phải đến cả tuần H tránh mặt không dám tiếp xúc với bệnh nhân đó nữa. Anh chàng bệnh nhân cũng không tìm gặp H và xuất viện một thời gian sau đó. Chuyện trôi vào quá khứ cho đến một ngày, phòng tổ chức bệnh viện liên tục nhận được thư nặc danh với nội dung nói xấu y tá H. Rồi tại nhà riêng của cô cứ sau 21h, chuông điện thoại bàn lại đổ nhưng khi nhấc máy đầu dây bên kia không có ai trả lời. Liên tục bị như vậy H không chịu nổi nữa, cô lăn ra ốm thì lúc này mọi việc mới được sáng tỏ. Anh bệnh nhân hôm nọ mò đến tận nhà thăm H. Vừa nhìn thấy anh ta ở cổng, H hoảng hốt không biết làm thế nào. Mời vào cũng không được mà xua anh ta thì chẳng khác nào châm ngòi cho một quả mìn.

Rút kinh nghiệm lần trước, với thái độ nhẹ nhàng cô đã thuyết phục được chàng bệnh nhân ra về. Sau đó Lâm (tên chàng bệnh nhân), được gia đình cho vào Sài Gòn sinh sống. Về sau H mới biết, anh bệnh nhân vốn là một kỹ sư xây dựng phát bệnh sau một cú sốc tình cảm. Vào viện, anh thấy H có nhiều nét giống cô người yêu đã chia tay, bị ám ảnh bởi chuyện cũ, anh đã làm cho y tá H một phen thất kinh.

Câu chuyện tình dang dở giữa bệnh nhân và bác sĩ

Câu chuyện giữa chúng tôi và bác sĩ Dũng bị cắt ngang bởi anh có đồng nghiệp vào bàn công việc. Chỉ tay về phía đồng nghiệp của mình, anh mỉm cười giới thiệu: “Đây là T, cậu ấy sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện liên quan đến vấn đề các bạn đang tìm hiểu”.

Với T, đó là một câu chuyện buồn. Nếu như những câu chuyện chúng tôi được nghe kể thì bệnh nhân chủ yếu là người bị bệnh nặng, lúc tỉnh lúc mê. Nhưng người phụ nữ tên A trong câu chuyện của anh lại là một bệnh nhân nhẹ nhất trong các thể bệnh tâm thần. Cô chỉ loạn thần cấp sau một sang chấn tâm lý do cái chết đột ngột của người bố gây ra. Bắt đầu từ những cơn đau đầu mất ngủ, rồi đến khi ngủ được thì cô toàn mê lung tung khiến ban ngày trông A như chiếc lá héo.

Mẹ cô và các em cũng chỉ biết an ủi động viên nhưng càng ngày cô càng gầy rộc đi và có biểu hiện tâm lý không bình thường. Cô được gia đình cho nhập viện, bác sĩ T được phân là bác sĩ trực tiếp điều trị cho A. Gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, thương cô gái trẻ bỗng dưng chịu cảnh mất bố, anh luôn an ủi động viên bệnh nhân của mình. Biết A đang học dở đại học anh tìm cách mượn sách chuyên ngành cho cô đọc. Sau một tháng A nằm viện, hai người đã nhen nhóm tình cảm với  nhau.

Biết tin con trai mình yêu một cô gái từng phải vào chữa bệnh ở viện tâm thần, mẹ T không đồng ý. Bỏ ngoài tai những giải thích của các bác sĩ trong nghề rằng đó chỉ là một thể rất nhẹ do sang chấn tâm lý chứ không phải là bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, không phải dùng thuốc thường xuyên, bà vẫn nhất quyết không nghe. Bởi thời đó, chuyện một ai đó phải vào viện tâm thần chữa bệnh cho dù chỉ là những bệnh nhẹ đi nữa thì cũng bị coi là một điều gì đó ghê gớm chứ không đơn giản như bây giờ. Bà buộc T phải lựa chọn một là gia đình hai là bạn gái.

Đứng giữa sức ép lớn anh đành phải chia tay người yêu trong sự đau khổ và điều anh lo nhất là tâm lý của bạn mình. Anh sợ cô bị sốc lại, nhưng rất may đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Từ đó các bác sĩ, nhất là bác sĩ nam trong viện luôn đưa ra nguyên tắc rằng không bao giờ được rung động trước bất cứ một bệnh nhân khác giới nào cho dù họ có đẹp đến mấy đi nữa.

Tình yêu mù quáng biến thành thù hận

Nếu như ở các căn bệnh khác bệnh nhân thường rất e ngại khi gặp bác sĩ thì ở viện tâm thần lại ngược lại. Hầu hết bệnh nhân luôn có tình trạng tâm thần bất ổn, ý thức yêu hay ghét xảy ra rất nhanh không thể kiềm chế được nên đòi hỏi các bác sĩ ở đây phải có những kỹ năng nhất định để đối phó với những tình huống bất ngờ. Câu chuyện của bác sĩ N  là một điển hình. Chàng bác sĩ trẻ đến giờ vẫn cứ có cảm giác ngại khi khám cho bệnh nhân khác giới. Bệnh nhân của anh là một cô gái 21 tuổi, cô nhập viện vì có triệu chứng nhức đầu kéo dài sau tai nạn.

Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh của cô này là rối loạn tâm thần và động kinh nhẹ. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như buổi sáng hôm đó anh không có một cử chỉ hào hiệp với người nhà cô gái. Xưa nay chuyện bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân hay người nhà cũng không có gì đáng nói nhưng với cô gái trẻ thì khác. Cảm kích tấm lòng “từ mẫu” của N, cô đem lòng yêu chàng bác sĩ trẻ. Còn về phía N, sau khi giúp người ta xong anh cũng quên luôn chuyện hôm đó. Cho đến khi anh liên tục nhận được tin nhắn lạ bày tỏ tình cảm, tra ra mới biết là cô bệnh nhân mình đang điều trị anh đã khéo léo từ chối. Cô gái trả thù N bằng cách trong một lần khám tổng quát trước khi cho bệnh nhân xuất viện. 

Đang khám thì bỗng dưng cô này hét lên: “Mẹ ơi bác sĩ hiếp con….”, rồi vùng chạy ra ngoài. Cô vừa chạy vừa đòi lên gặp Ban Giám đốc bệnh viện. Còn bác sĩ N bàng hoàng không hiểu chuyện gì xảy ra. Người nhà kẻ thì chạy theo cô gái, người khác thì vào “hỏi chuyện” bác sĩ. Sau một hồi giải thích và sự làm chứng của những người bệnh xung quanh, đôi mắt của ông bố cô gái mới hết những tia nhìn đầy căm giận khi nhìn bác sĩ N.

Những câu chuyện ghi nhận tại viện tâm thần luôn khiến người ta rơi nước mắt, bi, hài có cả với những tình tiết tưởng chừng như chẳng bao giờ có ngoài đời thực. Và có đến đây, chúng tôi mới thấm thía phần nào công việc đặc biệt vừa tế nhị vừa nguy hiểm của các bác sĩ đem lại sự cân bằng, bình ổn thần kinh cho con người. Những câu chuyện tình vô cùng đặc biệt giữa bệnh nhân dành cho bác sĩ âu cũng là điều dễ hiểu bởi phàm đã là con người thì luôn luôn khát khao được yêu thương, chia sẻ huống hồ lại là những bệnh nhân lý trí yếu nhược như những số phận trong bệnh viện tâm thần.