Khi bác sĩ đem án tử thần ra phán xét: Thiếu tế nhị hay vì lợi nhuận?

ANTĐ - Gạt bỏ ngoài tai những vấn đề tiêu cực quanh chuyện y đức để thâm nhập vào đời sống riêng của những người thầy thuốc sẽ thấy, hầu hết họ đều muốn bệnh nhân của mình sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều khi chính những vị thầy thuốc này lại khiến bệnh nhân rơi vào cảnh sống dở chết dở…

Mọi chẩn đoán, kết luận phải căn cứ trên cơ sở rõ ràng


Chuyện ở phòng khám tư

Việc chị Đỗ Thị K.Q. (35 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) khiếu kiện một phòng khám đa khoa tư nhân lớn trên địa bàn Hà Nội cách đây ít ngày, dù mọi chuyện đã được dàn xếp, giải quyết ổn thỏa nhưng đến nay vẫn chưa hết dư âm. Trong đơn khiếu nại, chị Q. kể, vào một ngày trung tuần tháng 4 vừa qua, chị đến một phòng khám tư gần nhà để kiểm tra vòng tránh thai. Sau khi chỉ định cho chị đi làm một loạt xét nghiệm, bác sĩ đề nghị chị phải điều trị ngay với lý do căn bệnh của chị sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh.

Biết mình khỏe mạnh nên chị từ chối nhưng sau đó nhân viên của phòng khám này còn nói chị bị mắc thêm bệnh sùi mào gà, nếu không chữa sẽ lây sang chồng và các con. Những lời này khiến chị vô cùng hoảng sợ nên dù còn bán tín bán nghi song chị Q. không thể không đồng ý đến điều trị. Vài ngày sau, chị quyết định đến một BV công lập để khám lại thì mới biết: tình trạng bệnh của chị hoàn toàn bình thường, không bị bệnh sùi mào gà và không có dấu hiệu của ung thư…

Mới có thai được 6 tuần, chị Nguyễn Mai H. (Tập thể Học viện An ninh, Hà Đông) đến khám tại phòng khám tư của một bác sĩ có tiếng. Vừa đặt đầu dò siêu âm và nhìn lên màn hình, bác sĩ đã thốt lên “có khối u to quá” khiến chị lo lắng vô cùng. Hai vợ chồng cuống quýt gặng hỏi biện pháp điều trị thế nào, nguy hiểm ra sao, vị bác sĩ nói trên mới giải thích: “u nang buồng trứng to, sau 3 tháng phải nhập viện để mổ nội soi”. Hai vợ chồng bày tỏ băn khoăn của mình về việc mổ lúc đang mang thai này có ảnh hưởng đến buồng trứng, thai nhi... hay không thì đáp lại, vị bác sĩ buột miệng phán “hỏng thai là cùng”… Đặt vào hoàn cảnh của người bệnh lúc đó, sự lo lắng, kinh sợ càng tăng thêm bội phần.

Áp lực thành ra... áp đặt

Ngay cả ở những BV công lập, chuyện bác sĩ “gây sốc” cho bệnh nhân, dù là vô ý hay hữu ý cũng không phải hiếm gặp. Trong đó, phổ biến nhất là việc bác sĩ vội vàng chẩn đoán, chẩn đoán theo kinh nghiệm những căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chữa, đặc biệt là HIV và ung thư. Ngồi một ngày ở các khoa điều trị của BV K Trung ương, chúng tôi được nghe hàng tá câu chuyện về những gia đình bệnh nhân từng rơi vào cảnh sống dở chết dở chỉ vì một “lời phán quyết nghiệt ngã” của bác sĩ, thậm chí của y tá, nhân viên y tế không có chức trách, nhiệm vụ chẩn đoán bệnh.

Cách đây gần một tháng, chị Nguyễn Thị Th., 27 tuổi, ở Vĩnh Phúc vào BV đa khoa Phúc Yên điều trị bệnh sỏi. Do bệnh nhân có biểu hiện tức ngực nên các bác sĩ ở khoa Ngoại - BV này chỉ định cho đi chụp CT, kết quả phát hiện một khối u trong phổi. Người nhà bệnh nhân vô cùng lo lắng, hễ thấy y tá, bác sĩ trong khoa đi qua là lấn tới gặng hỏi dồn dập. Bác sĩ phụ trách trao đổi với gia đình rằng: “có 3 khả năng, một là bệnh nhân bị một khối áp xe phổi do tiếp xúc lâu dài với người bệnh lao, hai là có thể bị tràn dịch màng phổi kéo dài do viêm phổi mãn tính, cũng có thể là một khối ung thư. Hiện chúng tôi chưa nghiêng về nguyên nhân nào…”.

Nghe đến 2 từ ung thư, người nhà bệnh nhân Th. càng thêm hoảng loạn, cố gắng gặng hỏi thêm bác sĩ phụ trách xem có điều trị được không. Khi đó, bác sĩ giải thích cần phải đợi hội chẩn với đầy đủ các bác sĩ trưởng phó khoa, “sau đó có thể khoa sẽ cho bệnh nhân chuyển viện lên BV K để khám lại chứ không giữ làm gì”. Cũng giống như bác sĩ, nhân viên y tá của khoa khá kín tiếng nhưng sau nhiều lần bị người nhà bệnh nhân gặng hỏi đã bực mình phán “các bác có gì mà phải cuống quýt lên thế, ung thư cũng sống được vài ba năm chứ chết ngay đâu mà sợ…”.

Trường hợp khác, anh Nguyễn Tuấn Đ. ở Bắc Giang kể, bố anh khám ở BV huyện phát hiện có một khối u phổi nên được chỉ định xuống BV Phổi Trung ương điều trị. Tại đây, bố anh được bác sĩ lấy mẫu sinh thiết gửi sang BV K Trung ương làm. Cả gia đình lo lắng gặng hỏi bác sĩ xem bệnh nhân nhà mình có bị ung thư hay không mà phải lấy mẫu sinh thiết nhưng bác sĩ không nói năng gì. “Lát sau, khi người nhà vẫn đang ngồi quanh giường bố tôi để thăm nom, chăm sóc thì có y tá sang gọi tôi vào phòng riêng của bác sĩ để bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh của ông cụ. Chưa biết kết quả thế nào nhưng thấy hành động có vẻ bí mật đó, đoán già đoán non thế nào mà cả mẹ tôi và người thân đều bật khóc vật vã…” - anh T. kể lại.

(Còn nữa)