Khi anh "dứt áo ra đi"

ANTĐ - Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới của Anh về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, được xem là sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử liên minh 28 quốc gia thành viên này. Theo giới quan sát, London sẽ có những cái được và mất khi rời EU, ngược lại, theo nhận định của CNN, EU cũng có thể sẽ mất nhiều thứ khi Anh “dứt áo ra đi”.

Kinh tế

Nền kinh tế của Anh lớn thứ hai châu Âu chỉ sau Đức. Anh hiện đại diện cho 17,6% GDP của EU, tương đương 14.600 tỷ EUR. Theo ông Charles de Marcilly đến từ Robert Schuman Foundation - một tổ chức kinh tế tại Paris, mặc dù Brexit không phải là một “thảm họa” nhưng chắc chắn sẽ “cắt cụt” một phần “chi” của EU. Khoảng hơn 50% tổng xuất khẩu của Anh vào EU và hơn 50% tổng nhập khẩu vào Anh là từ EU. Nếu London rời đi, các khu vực tự do thương mại của liên minh này sẽ buộc phải đàm phán lại.

Ngoại giao

Vương quốc Anh là một nhà ngoại giao quan trọng tại EU. Anh có khả năng vũ khí hạt nhân và giữ một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Giám đốc Jan Techau của Trung tâm Carnegie châu Âu nhận định, chính sách đối ngoại của EU chưa hẳn là thành công nhưng bất cứ khi nào EU muốn làm một điều gì đó hữu ích và mạnh mẽ, London luôn đóng một vai trò quyết định. Hiện cường quốc này có 123 đại sứ quán trên toàn thế giới.

Quân sự

Quân đội Anh đứng hàng đầu trong EU về quy mô và năng lực sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài. “Một EU mà không có Anh chắc chắn nguồn lực sẽ kém hơn và giống như đội bóng mất đi một cầu thủ mạnh”, ông Jan Techau so sánh.

Tư tưởng

Nước Anh tượng trưng cho một thị trường mở, hệ thống chủ nghĩa tư bản, một thị trường độc lập và tự do thương mại. Tất cả những điều tốt đẹp này khiến EU ngày càng lớn mạnh và tổ chức này sẽ có nguy cơ bị phá hỏng bởi một Brexit nếu xảy ra. 28 quốc gia thành viên có thể cởi mở trong vấn đề tự do đi lại, tự do thương mại giữa các quốc gia nhưng họ vẫn có những ưu tiên riêng, nguồn lực khác nhau và không ít quốc gia thành viên có xu hướng tự quyết thay vì trông chờ vào EU. Nếu Anh “chia tay” EU, một thời kỳ bất ổn về tư tưởng chắc chắn sẽ mở ra với các nước thành viên trong liên minh này.

Gây tiền lệ xấu

Giới phân tích cảnh báo, quyết định rời EU của Anh cho thấy sự chia rẽ nội bộ sâu sắc bên trong liên minh này. Hơn nữa, nếu London phát triển mạnh sau khi rời EU và các quốc gia thành viên tiếp tục chật vật giải quyết khó khăn, các nước thành viên sẽ đặt câu hỏi về tư cách thành viên trong liên minh. “Việc Anh “chia tay” EU sẽ trở thành tiền lệ xấu đối với các thành viên còn lại. Điều này có thể đẩy liên minh đến chỗ sụp đổ”, ông Jan Techau cảnh báo.

Hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) đã nêu cụ thể các thủ tục cần thiết để một quốc gia rời khỏi khối. Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2009, “bất cứ quốc gia thành viên nào cũng đều có thể quyết định rời khỏi Liên minh theo đúng các thủ tục hiến pháp”. Như vậy, nếu các cử tri nói “Có” với Brexit, Chính phủ Anh sẽ “ngay lập tức” phải áp dụng Điều 50, và bắt đầu tiến trình đàm phán rời bỏ EU. Hai bên sẽ có 2 năm để đàm phán các điều khoản dàn xếp về việc rời khỏi khối và một quốc gia sẽ tự động bị hủy bỏ tư cách thành viên EU nếu hai bên không đạt thỏa thuận về việc thiết lập một dạng quan hệ mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều này sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Trong báo cáo công bố tháng 2-2016, Chính phủ Anh cảnh báo có thể hai bên sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề. Theo London, “có thể sẽ mất thêm thời gian để đàm phán, trước hết là việc rời EU, thứ hai là các thỏa thuận trong tương lai với EU, và thứ ba là các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài khối EU”… 

Theo giới phân tích, lựa chọn đơn giản nhất cho Anh là gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu cùng với Iceland và Na Uy, lựa chọn giúp họ tiếp cận với một thị trường đơn nhất. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, London vẫn sẽ phải tuân theo các luật lệ của EU, mặc dù không còn có tiếng nói trong khối và vẫn phải đóng tiền cho Brussels.

Các lựa chọn khác bao gồm xây dựng một hiệp định tự do thương mại với EU hay một liên minh hải quan tương tự như những gì đã diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Nếu không ký kết được những thỏa thuận này, Anh sẽ trở thành một đối tác thương mại với EU như Mỹ và Trung Quốc. Ông Jean-Claude Piris, cựu cố vấn pháp lý cấp cao cho EU - cho rằng, dù điều gì diễn ra, Anh cuối cùng cũng sẽ trở thành một “dạng vệ tinh của EU”.  

Nếu Brexit diễn ra, London cũng sẽ phải đàm phán với Brussels về tình trạng của khoảng 2 triệu công dân Anh đang sống và làm việc tại các quốc gia thành viên EU. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng tới vấn đề lương hưu và các quyền lợi về dịch vụ y tế của những người này. 

Cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 tới tại Anh sẽ cho câu trả lời được chờ đợi nhất hiện nay.