Khi an toàn chưa được đặt lên trên hết

ANTĐ - Sáng 6-11, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi (dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông), trong quá trình cẩu, nhà thầu đã để rơi thanh thép gây tai nạn khiến 1 người đi đường tử vong và 2 người khác bị thương. Điều đáng nói, vụ tai nạn này không phải là hy hữu…

Khi an toàn chưa được đặt lên trên hết ảnh 1Chiếc xe ô tô  bị trụ bê tông đổ ập xuống đè bẹp rúm vụ trong vụ tai nạn tại công trình xây dựng hầm chui đường dẫn cầu Phú Mỹ

“Tai bay, vạ gió”

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn lao động gây chết người trong lĩnh vực xây dựng có xu hướng ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc đơn vị thi công che chắn không đảm bảo yêu cầu, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế.

Tại Hà Nội, cách đây không lâu, một người phụ nữ đang đi xe máy trên đường Phạm Hùng bất ngờ bị thanh sắt từ cầu thang ngoài trời của tòa nhà đang xây dựng rơi trúng tay phải gây vỡ xương. Trước đó, một chiếc cần cẩu đang thi công tại công trình trên phố núi Trúc bị đứt cáp khiến một người tử vong tại chỗ. Đầu năm 2013, tại một công trình xây dựng thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông, sinh viên Đ.Đ.H (SN 1993, trú tại phường Phúc La) khi đang đi xe máy qua, bất ngờ bị chiếc cần cẩu (đang cẩu thùng sắt rất to chứa đầy cát) đứt cáp, rơi xuống, đè vào người gây tử vong, còn chiếc xe máy cũng bẹp rúm. 

Còn tại TP.HCM, đến nay người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn thương tâm tại công trình thi công xây dựng hầm chui đường dẫn cầu Phú Mỹ (trên đường Nguyễn Văn Linh). Chiếc xe cẩu của công trình trong lúc cẩu trụ bê tông vào bên trong thì đột nhiên tuột móc một đầu cáp làm trụ bê tông đổ ập ra đường Nguyễn Văn Linh. Cùng lúc này, xe ô ô 4 chỗ do anh M.X.T chở vợ và con chạy đến đã bị trụ bê tông đổ xuống đè nát khiến vợ anh T tử vong, anh T và con trai bị thương khá nặng. Trước đó, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), một cần cẩu gãy đôi trong khi đang hoạt động cũng đã làm bị thương 5 người, trong đó có một người bị đứt cánh tay…

Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt – Trường ĐH Giao thông vận tải, các quy định về ATLĐ hiện đã khá đầy đủ. Theo đó, để tránh gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân, các công trình xây dựng phải được che chắn cẩn thận xung quanh, bố trí công việc hợp lý. Đặc biệt, các công trình dọc tuyến giao thông và khu dân cư, càng phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn. Trong trường hợp phát hiện nhà thầu thi công vào thời điểm có nhiều người qua lại, chính quyền địa phương phải kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn. Tuy vậy, hầu hết các đơn vị liên quan đều phớt lờ quy định này, đến khi tại nạn xảy ra thì coi như “sự đã rồi”.

Cần làm rõ trách nhiệm

Trở lại với vụ tai nạn tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt phân tích, có thể thấy rõ, lỗi đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng, trong phạm vi đang có người làm việc trên cao và trên mái, phải có rào ngăn và biển cấm bên dưới để tránh vật liệu, dụng cụ từ trên rơi vào người qua lại. Trong trường hợp có đường giao thông công cộng chạy qua công trường thì phải mở đường khác hoặc phải có biển báo ở hai đầu đoạn đường chạy qua công trường để các phương tiện giao thông qua lại giảm tốc độ. Khi thi công, nhà thầu phải có phương án phân làn giao thông, có  nhân viên hướng dẫn phân làn cho người tham gia giao thông. Đáng buồn là những quy định này không được thực hiện một cách đầy đủ và tai nạn chết người đã xảy ra.

Mặc dù đã có quy định nghiêm cấm cần cẩu nằm ở phía trên đầu người trong suốt quá trình nâng, hạ và di chuyển tải song điều này vẫn diễn ra khá phổ biến tại các công trình xây dựng. Mặt khác, với những công trình vừa thi công vừa khai thác, ngoài vấn đề ATLĐ thì việc bảo đảm an toàn giao thông là một điều cực kỳ quan trọng. Đáng lo ngại nhất là những công trình trên cao, phía trên các tuyến đường giao thông chính có mật độ người và phương tiện qua lại dày đặc, nếu để xảy ra tai nạn sẽ gây thiệt hại lớn.

Về trách nhiệm pháp lý của những cá nhân liên quan trong các vụ việc trên, luật sư Vũ Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn, cơ quan có thẩm quyền cần xác định hai loại trách nhiệm là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Trước tiên, đơn vị thi công và chủ đầu tư phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh, mai táng, bồi thường cho các nạn nhân đã tử vong theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

 Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định trong BLHS như tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 99), “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285) , “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp…” (điều 109)... Sự cố trong thi công gây hậu quả chết người và nhiều người bị thương là là hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, nếu những người liên quan có lỗi (cố ý hoặc vô ý), họ có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội danh nêu trên. Nếu nguyên nhân xảy ra sự cố trên là do tình huống bất khả kháng, không ai có lỗi thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

Tự bảo vệ mình

Để đảm bảo an toàn khi buộc phải đi qua công trường xây dựng, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt đưa ra lời khuyên: Nhằm phòng tránh những vật rơi từ trên cao xuống hoặc hạn chế chấn thương khi bị ngã, người đi đường cần đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi đi vào khu vực công trường nên chú ý quan sát xem có hiện tượng gì bất thường không đồng thời báo ngay với cơ quan chức năng nếu thấy những dấu hiệu không an toàn (đất đá rơi vãi nhiều, nguyên vật liệu để trên vị trí cao chênh vênh...).