Khép góc những biến tướng từ dịch vụ cầm đồ

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô vừa đăng loạt bài “Hệ lụy từ hoạt động cầm đồ” đã vạch rõ những biến tướng của hoạt động này. Lợi ích luôn dành cho người kinh doanh dịch vụ và thiệt hại thuộc về người đi cầm cố tài sản. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu duy trì hoạt động này cần phải có biện pháp quản lý thật chặt, hoặc nên dẹp bỏ để tránh hệ lụy.

Lợi nhuận lớn, cầm đồ online chào mời hấp dẫn

Trách nhiệm không của riêng ai

Là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện, dịch vụ cầm đồ thường núp dưới danh nghĩa một lĩnh vực kinh doanh của công ty nào đó để được hợp pháp hóa. Ngành nghề kinh doanh này không phải dừng lại ở “một vốn bốn lời” mà có khi lợi nhuận có thể lên tới “mười lời”. Thông thường, các cửa hiệu cầm đồ đánh giá tài sản cầm cố quy ra tiền, và tính lãi suất theo từng triệu đồng, thấp nhất là 3.000 đồng/triệu đồng/ngày và cao có thể lên tới 12.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nhân số tiền lãi với số tiền và số ngày đi vay, dễ dàng thấy người vay phải trả lãi ngang bằng, thậm chí nhiều hơn cả vốn. Đó là còn chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều. Chính vì thu được lợi nhuận lớn nên dịch vụ cầm đồ online cũng phát triển rầm rộ với các dòng quảng cáo “Cầm đồ lãi suất thấp”.

Nếu coi hoạt động cầm đồ là một lĩnh vực kinh doanh bình đẳng trước pháp luật, thì trước những bất hợp lý của hoạt động này, công tác hậu kiểm đóng vai trò quan trọng. Không chỉ lực lượng công an đơn độc vào cuộc trong mỗi đợt kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ hay tiêu thụ đồ của kẻ gian, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, ngành thuế phải kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước hay không, giao dịch tài chính có hóa đơn, chứng từ hợp lệ hay không. Địa phương cần quản lý về an ninh trật tự, mặt bằng kinh doanh, về nhân sự đứng ra làm chủ cửa hàng kinh doanh đủ điều kiện không? Vì đây là lĩnh vực kinh doanh phức tạp nên nếu không kiểm tra thường xuyên hoặc chỉ một cơ quan nào lơ là trách nhiệm quản lý, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Siết chặt quản lý

Nhìn nhận từ phía người đi vay, ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách văn phòng Tư vấn khiếu nại (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam- Vinastas) cho rằng, người đi vay luôn là người thiệt thòi, không chỉ bởi phải trả lãi suất cao mà còn bởi bị ràng buộc bởi các bản thỏa thuận cầm cố tài sản có lợi cho bên cho vay theo kiểu “nếu không trả tiền đúng hạn, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, vì “đây cũng là một loại hình dịch vụ tài chính có thế chấp, nó cần tuân thủ các quy định của luật pháp, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: cần phải có hợp đồng hợp lệ, người nhận tài sản và cho vay phải làm các thủ tục tài chính, cung cấp hóa đơn, chứng từ cho người cầm cố khi giao dịch”- ông Tuấn cho hay. Thêm vào đó, vì là kinh doanh có điều kiện, nên cần có quy định cụ thể cho loại hình dịch vụ này. Các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ sở kinh doanh. 

Một chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp cho biết, lâu nay hoạt động cầm đồ chưa được kiểm soát chặt chẽ và có nhiều biến tướng. Nếu không quản lý được thì không nên cấp phép cho lĩnh vực kinh doanh này hoặc hạn chế cấp phép, hoặc nếu có thì cần kiểm tra các điều kiện cần và đủ một cách nghiêm túc. Kèm theo đó là việc giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở đã đăng ký kinh doanh. 

Trên thực tế, mặc dù biết rất rõ hoạt động kinh doanh cầm đồ có nhiều biến tướng song hoạt động này vẫn tồn tại, phát triển theo quy luật “cung - cầu”. Những người đi cầm cố tài sản thường lâm vào  cảnh  “bí” về kinh tế cho các công việc cấp thiết trong thời gian ngắn, mà không có cách làm nào tốt hơn, hoặc cần tiền phục vụ cho mục đích không được rõ ràng, thậm chí là cờ bạc, lô đề... nên bị “ép” vay nặng lãi. Bởi vậy, trước khi cầm đồ, khách hàng nên suy xét kỹ lưỡng, tránh để “sa lầy” thêm. Biến tướng của hoạt động kinh doanh cầm đồ sẽ không còn “đất sống” khi khách hàng hiểu rõ giao dịch này không bao giờ có lợi cho bản thân họ.