Khép dần "cửa" vay vốn USD

ANTĐ - Thời gian qua, doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi bởi lãi suất khá “mềm” trong khi tỷ giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 31-3-2016, cánh cửa này đã khép lại. 

Khép dần "cửa" vay vốn USD  ảnh 1Nhiều doanh nghiệp đang vay vốn bằng ngoại tệ sẽ phải chuyển sang mua 

Bước đi chống đô la hóa

Theo quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN của NHNN, từ ngày 31-3, các ngân hàng thương mại đã phải dừng cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Như vậy, từ 31-3-2016, nhiều doanh nghiệp không còn được tiếp cận nguồn vốn có lãi suất thấp.

Cũng theo quy định này, ngân hàng thương mại vẫn được phép đáp ứng nhu cầu vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục vụ một số nhu cầu như thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu; vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Trên thực tế, quy định này đã được gia hạn khá nhiều lần. 

Theo các chuyên gia, với việc cam kết về biến động tỷ giá của NHNN, cộng với lãi suất vay USD thấp hơn khá nhiều so với lãi suất vay vốn bằng VND nên việc hoãn thời hạn dừng cho vay bằng ngoại tệ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với giá rẻ hơn. Với ưu đãi này, doanh nghiệp không quá lo ngại rủi ro tỷ giá hoặc trường hợp có rủi ro cũng ở mức chấp nhận được. 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá: “Lần này, tôi cho rằng NHNN sẽ không tiếp tục gia hạn bởi nhu cầu vay ngoại tệ đã giảm mạnh thời gian qua, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ tăng trưởng tốt. Thứ hai, việc từng bước chấm dứt cho vay ngoại tệ cũng phù hợp với lộ trình chống đô la hóa, qua đó góp phần ổn định tỷ giá, đây là mục tiêu NHNN theo đuổi”.

Ảnh hưởng không lớn

Trên thực tế, việc cho vay vốn ngoại tệ chỉ giúp doanh nghiệp hưởng lợi trước mắt, bởi lãi suất chỉ ở mức 3-5%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu tiếp tục gia hạn thì đi kèm với đó là tình trạng đô la hóa nền kinh tế tiếp tục gia tăng, về lâu dài sẽ tác động tới tỷ giá và gây rủi ro ngược lại cho doanh nghiệp. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc ngừng gia hạn cho vay ngoại tệ với một số đối tượng sẽ là hành động quyết liệt tiếp theo của NHNN trong lộ trình chống đô la hóa, sau khi đã chính thức áp dụng lãi suất tiền gửi về 0%. Để tiếp tục lộ trình này, NHNN cần tiếp tục siết chặt tín dụng ngoại tệ hơn nữa, đồng thời cần có chính sách để giảm tình trạng găm giữ USD một cách triệt để hơn. 

Đánh giá về tác động của việc hạn chế tín dụng ngoại tệ, các ngân hàng thương mại cho rằng, sau khi tăng nóng trong năm 2014, tín dụng ngoại tệ đã giảm nhanh, năm 2015 tín dụng ngoại tệ giảm khoảng 13%, nguồn cung ngoại tệ cũng khá dồi dào. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ có thể dễ dàng mua ngoại tệ khi quy định chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu lực.

Thông tin về vấn đề này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 2, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm gần 4%, còn tín dụng ngoại tệ giảm 5,6% so với cuối năm 2015. 

Từ phía các ngân hàng, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết: “Thời gian qua, huy động USD hầu như không biến động. Sau khi lãi suất gửi USD được giảm về mức 0%, dòng tiền chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng nội tệ là có, nhưng không nhiều và không xảy ra tình trạng người dân rút ngoại tệ ồ ạt. Trong khi đó, tín dụng ngoại tệ trong thời gian qua giảm, vì các quy định khá chặt”. 

Ông Lê Quang Trung khuyến cáo, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng ngoại tệ, doanh nghiệp có nhu cầu thay vì đi vay phải chuyển sang mua, vì vậy các doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá thông qua các công cụ bảo hiểm.