Phim "Bước khẽ đến hạnh phúc”:

Khẽ khàng chạm đến trái tim khán giả

ANTĐ - Trước khi xem "Bước khẽ đến hạnh phúc”, tôi đã đọc khá nhiều ý kiến trái chiều về bộ phim này. Sau khi xem, tôi lại muốn "khẽ khàng" được trao đổi lại.

Khẽ khàng chạm đến  trái tim khán giả ảnh 1Ngân Khánh đã có một vai diễn hoàn hảo

Chọn “trúng” diễn viên

Cái độc đáo của phim cũng chính là bản lĩnh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh có từ phim đầu tay “Canh bạc”, phim chẳng minh họa cho một ý tưởng nào cả. Sự hồ hởi, tin yêu, khát vọng mong tìm lại cội nguồn và được làm việc có ích cho Tổ quốc của cô gái người Mỹ gốc Việt -        Vivian là cảm hứng lớn, cũng là điểm xuất phát của bộ phim cho tới cảnh phim cuối. Vị đạo diễn tài ba đã rất đúng khi chọn nữ diễn viên Ngân Khánh hóa thân một nhân vật hết sức tự nhiên và sinh động: một người con gái mang dòng máu Việt với tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ, bất cẩn, song giàu lòng  trắc ẩn và đầy tự trọng của một nữ trí thức... Vivian luôn khao khát tìm về cội nguồn nên tình nguyện tham gia một tổ chức quốc tế tài trợ thiết bị y tế cho Việt Nam để có cơ hội trở về quê hương. Trong lần trở về này, cô đã đấu tranh với nhóm người xấu muốn ăn chặn gói thiết bị đắt giá và cũng tìm thấy tình yêu của đời mình. 

Đây là vai mà Ngân Khánh đóng như không diễn, cô sống tự nhiên với một nhân vật có sức cuốn hút, chinh phục, bởi đã được các nhà làm phim chăm chút kỹ lưỡng qua nhiều cảnh phim chân thực, bi hài xen lẫn, qua các mối quan hệ được xử lý khá "ngọt", trên cơ sở logic đời sống - với nhóm trẻ em đường phố, chàng kỹ sư lãng tử (Quách Ngọc Ngoan đóng), một chàng Việt kiều có dã tâm (Doãn Tuấn đóng), các bà má Sài Gòn và miền Tây Nam bộ... 

Hai nhân vật: kỹ sư Quân và cô bé đánh giày tên Rõ cũng được chọn lựa khá chính xác tạo nên bộ ba nhân vật làm trụ cột cho sự phát triển phim, đủ sức kéo cả phim đi một cách trơn tru, hợp lý, gây bất ngờ, thích thú cho người xem. Ngay cả nhân vật phụ - cô người mẫu chỉ đôi lần xuất hiện thoáng qua cũng đủ cho ta thấy tất cả sự lạnh lùng, trống rỗng của loại người chạy theo hưởng thụ và muốn nổi tiếng bằng mọi giá, đối lập với cô gái đang tìm về cội nguồn. Với phim này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã góp phần giải tỏa thực trạng mà nhà văn Tô Hoàng từng gióng lên hồi chuông cấp báo rằng, điện ảnh Việt Nam không có nhân vật. 

Đẹp mà không chóng vánh!

Có ý kiến nhận định rằng những cảnh miền Tây đẹp nhưng cũ quá, làm 10 năm trước thì hợp, hay quá sơ sài, bề nổi kiểu du lịch, tôi lại không thấy vậy. Tình tiết đi về miền Tây Nam bộ tìm người thân cho hai em bé đánh giày mồ côi là một tình tiết đắt giá trong bộ phim, nhấn mạnh thêm tính cách hào hiệp của đôi nam nữ và cũng là cớ để bộc lộ bản chất nhân hậu của người dân nơi đây - tương phản với những âm mưu xấu xa ở thành phố mà Quân và Vivian đang phải đối diện. Có người cho rằng câu chuyện tình của nhân vật chính Vivian với chàng nghệ sĩ Quân mang màu sắc Hollywood khi cả hai đến với nhau khá chóng vánh.

Tôi lại nghĩ khác. Với sự miêu tả khá chu đáo tính cách của chàng kỹ sư lãng tử và đối tượng của anh - một cô gái cũng có chất lãng tử đáng yêu không kém, thì cách xử lý của đạo diễn không làm khán giả ngỡ ngàng. Cách Quân chinh phục Vivian mang đậm dấu ấn Lưu Trọng Ninh và có thể nói đó là những trường đoạn phim lý thú nhất. Tuy nhiên, giá như phim không có cảnh “nóng” nào nữa sau cảnh hai nhân vật ôm nhau trên đống rác nilon ở giữa phim mà khán giả thấy không chướng mắt và cảnh Vivian nằm bên lọ hoa sen của căn phòng tạm bợ ở cuối phim, thì khán giả sẽ được sống  trọn vẹn với hương vị, vẻ đẹp của một mối tình gái trai tài sắc này. Mặc dù, đạo diễn đã xử lý cảnh "nóng tột độ” này một cách khá nghệ thuật, song nếu như “Bước khẽ đến hạnh phúc” không có những cảnh này, bộ phim chắc sẽ hoàn hảo hơn. Đây thực sự là một phim nghệ thuật đúng nghĩa, có giá trị là “Bước khẽ đến hạnh phúc”, bất chấp những quy luật nghiệt ngã của thương trường phim ảnh!