Khát máy bay tiếp dầu, Trung Quốc âm mưu “tìm cửa hậu”

ANTĐ - Nguyệt san của Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defence Review số ra tháng 11/2013 cho biết, Trung Quốc lại lên kế hoạch mua thêm máy vận tải IL-76 và IL-76MD đã qua sử dụng của Nga và Belarus để chuyển đổi thành máy bay tiếp dầu. 

Bài báo cho biết, do thiếu máy bay tiếp dầu, hiện nay đa phần các loại máy bay chiến đấu J-10, Su-30MKK, Su-30MK2, J-15 của không quân Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng phương thức “tiếp dầu đồng đội”, nhưng hiệu quả của nó rất thấp, số lượng nhiên liệu tiếp được rất ít vì tải trọng hữu ích của các máy bay chiến đấu là không cao.

Các loại máy bay tiếp dầu của Trung quốc hiện nay như HY-6 (H-6Y) đa phần chỉ chở tối đa được 30 tấn dầu, thông thường chỉ 20 tấn, trong khi đó chỉ tính riêng tiêm kích hạng nặng Su-30MK2 một lần tiếp nhận dầu đã hết 9,5 tấn, mỗi lần chỉ tiếp được cho từ 2 đến 4 máy bay, xét mặt chiến thuật, hiệu quả đem lại là không cao. Vì vậy, nhu cầu mua sắm máy bay tiếp dầu đang ngày càng cấp bách.

Một nguồn tin khác cho biết thêm: Kế hoạch của Trung Quốc là mua 20 chiếc IL-76 và IL-76MD (trước đó năm 2012 Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 10 chiếc). Hiện Trung Quốc đang tích cực hợp tác với Ukraine, nhằm mục đích chuyển đổi các máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-78.

Máy bay vận tải thế hệ mới nhất của Nga Il-476 (IL-76 MD-90A)

Sau khi biến Il-76 thành IL-78, nó có thể chở tối đa được 60 tấn dầu, thông thường cũng mang được 50 tấn, khả năng tiếp nhiên liệu trên không đạt 900 đến 2.200 lít mỗi phút, rõ ràng về mặt chiến thuật có hiệu quả rất cao. Trước đây, Ukraine cũng đã từng cải hoán máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-78 cho Pakistan.

So sánh IL-78 do Ukraine cải hoán với IL-78ME Nga do Nga chế tạo thì việc chuyển đổi là đơn giản hơn nhiều vì trên thực tế, IL-76MD là máy bay vận tải, việc lắp đặt các bể chứa chỉ cần cho vào các hầm hàng, sau đó đặt hàng hãng UPAZ - Nga sản xuất ống tiếp nhiên liệu.

Hiện Nga đang phát triển phiên bản nâng cấp mới nhất của Il-76 là Ilyushin IL-476, để dần dần cho thay thế hết các máy bay thế hệ cũ. IL-476 (hay còn gọi là IL-76-MD-90A) là phiên bản hiện đại hóa của chiếc  IL-76, với hệ thống kiểm soát bay kỹ thuật số, động cơ PS-90A-76 và hệ thống điện tử mới, cũng như được cải tiến kỹ thuật động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

HY-6 của Trung Quốc chỉ có thể tiếp được cho tối đa 4 chiếc tiêm kích

Trước mắt, Ukraine chỉ có thể thực hiện các biến đổi đơn giản cho IL-78, thế nhưng, chỉ cần như vậy thì khả năng tiếp nhiên liệu trên không của lực lượng không quân Trung Quốc cũng đã tăng lên rất nhiều. IL-78 có khả năng bay liên tục 7.300 km, tốc độ bay tối đa 850 km/giờ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, ngoài hướng hợp tác với Ukraina, hiện nay quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu quân sự giữa Trung Quốc - Nga đang có nhiều cải thiện đáng kể nên việc Nga bán cũng như giúp Trung Quốc cải hoán máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-78 cũng là một khả năng có thể xảy ra.

Trước đây, Trung Quốc đã ngỏ ý muốn mua máy bay vận tải thế hệ mới nhất của Nga là Il-476 và phiên bản tiếp dầu của nó là Il-478, nhưng Nga không đồng ý vì họ không có ý định xuất khẩu trước khi thay thế hết các trang bị cũ trong quân đội Nga, hơn nữa mới chỉ có máy bay vận tải IL-476 là đã hoàn thiện, còn máy bay tiếp dầu IL-478 vẫn đang trong giai đoạn phát triển.