Khát khô vì đập thủy điện

ANTĐ - Những con đập thi nhau dựng lên, chắn ngang dòng sông Mekong ở thượng nguồn là một nguyên nhân quan trọng khiến người dân và đồng ruộng ở phía hạ lưu héo hắt khát khô.

Khát khô vì đập thủy điện  ảnh 1Người dân hạ lưu sông Mekong đang phải gánh chịu đợt hạn hán lịch sử

Các nước nằm phía hạ lưu sông Mekong như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia… đang phải chịu đựng một trận hạn hán lịch sử, trong đó đặc biệt là Việt Nam phải gánh chịu thiệt hại “kép” là cả hạn hán và xâm nhập mặn. Trận hạn hán hiện nay là do lượng mưa ít bởi ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong tích nước để phát điện trong mùa khô.

Từ lâu, việc xây dựng quá nhiều các con đập ở phía thượng nguồn sông Mekong đã bị các nước ở phía hạ lưu phản đối. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, với chiều dài gần 5.000km chảy qua 6 nước, sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho khoảng 80%  trong số 60 triệu dân sống trong lưu vực. Sông Mekong có nguồn thủy sản nội địa lớn nhất và sản lượng nhiều nhất trên thế giới. Các nhà khoa học xác định có 850 loài cá, nhưng ước tính có hơn 1.000 loài trên thực tế, trong đó 1/3 các loài này di chuyển hơn 1.000 km dọc theo con sông để kiếm ăn và sinh sản. Giá trị kinh tế của ngành thủy sản từ sông Mekong rất lớn, mỗi năm việc khai thác thủy sản trên dòng sông này có giá trị tới 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc xây dựng hàng loạt các con đập thủy điện ở thượng nguồn đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước cung cấp cho hạ lưu và kéo theo hệ lụy khôn lường như hạn hán, giảm sản lượng cá…

Trong đó, 2 nước đã và đang lên kế hoạch xây dựng nhiều đập thủy điện nhất là Trung Quốc và Lào, trong khi Thái Lan và Campuchia cũng có kế hoạch đào sông nhân tạo để lấy nước sông Mekong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trung Quốc khiến các quốc gia hạ lưu lo ngại và phản đối gay gắt khi xúc tiến xây dựng chuỗi đập trên phần thượng lưu sông Mekong (nước này gọi là sông Lan Thương) mà không cần tham khảo ý kiến các nước láng giềng ở hạ lưu hoặc chia sẻ thông tin về dòng chảy.

6 đập lớn đã được xây dựng gồm: Công Quả Kiều (Gongguoqiao), Đại Chiếu Sơn (Dachaoshan, 2003), Mãn Loan (Manwan, 2007), Cảnh Hồng (Jinghong, 2009), Tiểu Loan (Xiaowan, 2010) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu, 2012); trong khi 8 đập khác đang được hoàn thành và một số đập khác đang được lên kế hoạch ở Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải ở thượng nguồn. 

Các đập của Trung Quốc làm thay đổi một cách đáng kể chu kỳ lũ lụt - hạn hán tự nhiên của hạ lưu sông Mekong, làm giảm lượng nước, trầm tích và các chất dinh dưỡng chảy vào lưu vực sông và các vùng duyên hải… và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến mực nước cũng như sản lượng thủy sản. Ông Milton Osborne, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Lowy - một trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế tại Australia cho rằng, các con đập của Trung Quốc chi phối tới 40% lượng nước vào mùa khô, do đó ảnh hưởng đối với vùng hạ nguồn sông Mekong rất lớn.

Tác hại ghê gớm của việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong chính là thứ nhân tai đang đổ lên các quốc gia hạ lưu, trong đó thiệt hại nặng nhất là Việt Nam khi đang phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 90 năm qua.