Khát khao nghe hai tiếng “mẹ ơi”

ANTĐ -Để trở thành người phụ nữ của thế kỉ 21, bên cạnh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị em cần học tập, vươn lên, trang bị cho mình kiến thức về mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sinh sản và quan hệ vợ chồng. Đừng vì thiếu hiểu biết hay cam chịu mà bị mang tiếng... oan hay sống một cuộc sống quá thiệt thòi.

Tại các bệnh viện sản phụ khoa hay các trung tâm kế hoạch hóa gia đình, mỗi ngày có hàng nghìn lượt các cô gái trẻ măng, phụ nữ chưa chồng, phụ nữ đã có chồng có con đàng hoàng đến đây để nhờ các bác sĩ phá thai. Có người đi một mình, có người được mẹ, chị gái, bạn gái “áp giải” đến, những cũng có người đi cùng chồng. Họ giống nhau ở một điểm là sau khi công việc của bác sĩ hoàn thành, thì dù còn đau, họ cũng vội vã xin được ra về. Ra khỏi cửa, họ trèo lên tắc xi, xe ôm, hay xích lô và “chạy như ma đuổi” khỏi cái nơi họ vừa “trút được bầu tâm sự”. Vậy mà cũng tại nơi đây, nhiều chị em héo mòn chờ đợi, hy vọng có được một đứa con chỉ để được nghe hai tiếng “mẹ ơi”. Đúng là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”!

Người phụ nữ chưa đến 30 tuổi ấy đến phòng khám hiếm muộn từ một huyện ngoại thành Hà Nội. Khi nghe bác sĩ gọi tên vợ vào tư vấn, người chồng nhẹ nhàng chuồn ra quán nước trước cổng bệnh viện ngồi đợi vợ vì... xâu hổ. Chị kể với bác sĩ tư vấn rằng vợ chồng chị cũng lấy nhau ba năm nay mà chưa có con. Gia đình nhà chồng nói bóng nói gió rằng chị không biết đẻ, rằng gia đình vô phúc nên mới cưới chị. Khi các bác sĩ hỏi chi tiết về chuyện “ăn nằm” của vợ chồng chị ra sao, họ không thề nhịn được cười. Hóa ra cho đến giờ chị vẫn là gái tân.

Là những người hiền lành, chất phác, lại sống ở thôn quê, nơi chuyện vợ chồng ít ai trao đổi, chia sẻ, tâm sự, nền chị cũng nghĩ lấy chồng chỉ cần “ăn” và “nằm” cạnh nhau là sẽ có con. Khổ nỗi, chồng chị bị bệnh liệt dương từ nhỏ, cái công cụ đàn ông của anh ta chỉ dùng vào mỗi việc tiểu tiện. Tuy nhiên, anh ấy không bao giờ thắc mắc về chuyện đó. Lớn lên, gia đình bảo cưới vợ, anh ta cũng gật đầu. Mọi chuyện từ tìm người, dạm ngõ, ăn hỏi, đến cưới vợ đều do cha mẹ sắp đặt. Lấy vợ rồi, anh cũng chăm chỉ làm ăn, thương yêu vợ, đối xử tốt với bên ngoại. Nói chung anh là người chồng tốt, trừ chuyện quan hệ tình dục là anh ta không bao giờ làm. Người vợ cũng thuộc dạng “mù chữ về tình dục”, nên cũng chẳng kêu ca, phàn nàn gì. Họ cứ “ăn” và “nằm” cạnh nhau rồi chờ đợi. Nhưng hai năm, rồi ba năm mà người vợ vẫn không có gì. Gia đình chồng thúc giục họ đi lên thành phố khám và chữa vô sinh, khi ấy chuyện mới vỡ lẽ.

Anh Trần Văn Hòa ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội cưới vợ đã lâu mà hai vợ chồng “chưa làm được lần nào ra trò”. Chỉ cần nằm cạnh vợ, nghĩ đến chuyện vợ chồng ái ân, ôm ấp vợ một chút, cái đó của anh vừa cương lên khoảng nửa phút, anh đã xuất tinh. Ngại đi khám bác sĩ, chẳng dám hỏi ai hai vợ chồng anh chị ra sức đọc sách, bồi bổ bằng những món ngon, được coi là bổ thận tráng dương, vậy mà anh vẫn không khá lên được. Có lần chị về đã chủ động kích thích bản thân, hy vọng khi anh chồng “đứng dậy được” là hai vợ chồng “vào cuộc luôn, khỏi mất thời gian chờ đợi”. Vậy mà vừa mới chạm vào người chị, anh đã... xong việc. Đọc sách, anh tự cười khi thấy cụm từ “khóc ngoài biên ải” rất đúng với trường hợp của anh.

Nhờ sự tích cực của người vợ, sự động viên của mọi người anh chị đưa nhau đến khám tại một phòng khám tư. Bác sĩ khám cho chị đã vô cùng cảm động vì sự chung thủy của người vợ, bởi lấy chồng đã lâu, biết chồng yếu như vậy, mà chị vẫn một lòng một dạ với chồng, chịu đựng thiệt thòi, đến nay vẫn còn là “gái con gin”.

Biết là tại mình mắc căn bệnh “chưa đến chợ đã hết tiền”, nhưng anh chồng vẫn bàn với vợ về nói với gia đình rằng tại cả hai. Hàng tuần, anh chị chở nhau đến bệnh viện để các bác sĩ hướng dẫn luyện tập, kết hợp điều trị bằng tâm lý, thuốc men, dinh dưỡng. Chị nói: “Chỉ mong anh ấy cố kéo dài được một chút, làm được một lần để tôi có thể có con, giải nỗi oan cho tôi. Còn “chuyện ấy” tôi đâu có... quá ham”. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, dù chữa chạy đã lâu mà anh cũng không khá lên được. Các bác sĩ khuyên anh chị sinh con bằng thụ thai trong ống nghiệm nghĩa là các thầy thuốc sẽ lấy tinh dịch của anh xuất ra, trộn với trứng của chị trong một ống nghiệm. Khi nào trứng được thụ thai, họ sẽ đưa vào dạ con của chị để chị mang thai và sinh con. Thực ra, anh và chị vẫn là cha mẹ đích thực của đứa trẻ sinh ra, vì nó được hình thành từ trứng của chị và tinh trùng của anh. Nếu được như vậy, chị được làm mẹ, dù chưa bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc của một người phụ nữ có chồng. Tưởng chị đã hy sinh đến mức độ như vậy, anh sẽ hợp tác với các bác sĩ, ai ngờ anh kiên quyết từ chối, bởi anh sợ người ta “làm liều” họ sẽ lấy tinh dịch của người khác thụ thai cho vợ anh. Thậm chí anh còn nghi họ cho một ai đó “ngủ” với vợ anh, rồi anh phải nuôi con người khác thì sao. Vậy là đến nay, người vợ kém may mắn ấy vẫn không được làm vợ, chẳng được làm mẹ, mặc dù chị được các bác sĩ kết luận là khỏe mạnh.

Nhưng hoàn cảnh của chị Hường ở Hà Nam con trớ trêu hơn. Do nỗi khát khao có con, do sợ gia đình nhà chồng dị nghị về chuyện chị “không biết đẻ”, do nhắc chồng khám mấy lần mà anh không chịu đi nên chị Hường đã “làm liều” một lần với một đồng nghiệp trong một chuyến công tác ngắn ngày. Sau lần ấy chị có thai. Cả gia đình chồng và chồng chị vui mừng, còn chị thì mang nặng trong lòng một mặc cảm lừa dối. Những “trót đâm lao phải theo lao”, chị không muốn tước bỏ quyền làm mẹ của mình, không muốn tan vỡ gia đình và tước đi niềm vui của người chồng, chị đành im lặng để sinh con. Đứa trẻ sinh ra là gái, giống chị như đúc, nên chẳng ai nghi ngờ gì về chuyện đứa con không phải của chồng chị.

Nhưng rồi bi kịch đã xảy ra khi đứa con lên 2, gia đình và chồng chị muốn chị sinh thêm một đứa con trai. Cả hai đã cố gắng mãi mà chị Hường vẫn không có thai lần nữa. Chị nơm nớp lo sợ bí mật bị phát giác. Nhưng do khát có con trai, nên lần này chính chồng chị Hường lại bí mật đi Hà Nội khám và làm xét nghiệm tinh đồ. Bác sĩ kết luận, anh mắc bệnh vô tinh, nghĩa là tinh dịch xuất ra không có tinh trùng, nói nồm na là chỉ “có nước chứ không có cái”. Anh đau khổ, về nhà tra khảo vợ, cuối cùng chị đành thú nhận sự thật. Từ đó, tuy vợ chồng anh chị không chia tay nhau, chuyện bí mật chỉ có hai người biết (vì anh không muốn mọi người biết mình là người đàn ông vô sinh), nhưng mái ấm gia đình đã trở thành... địa ngục trần gian.

Bây giờ chồng chị Hường đã trở thành một kẻ nát rượu, còn chị là thành viên tích cực của một câu lạc bộ dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Để trở thành người phụ nữ của thế kỉ 21, bên cạnh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị em cần học tập, vươn lên, trang bị cho mình kiến thức về mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sinh sản và quan hệ vợ chồng. Đừng vì thiếu hiểu biết hay cam chịu mà bị mang tiếng... oan hay sống một cuộc sống quá thiệt thòi.