Khảo sát thẩm tra việc thực hiện một số pháp lệnh tại Hà Nội

ANTĐ - Thực hiện kế hoạch 2348 và công văn số 2360 của Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội khóa 13 về khảo sát phục vụ thẩm tra một số dự luật năm 2016, sáng 28-6, đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng – An ninh Văn phòng Quốc hội do Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban QP-AN làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại CATP Hà Nội. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì tiếp đoàn khảo sát. Cùng dự có Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP cùng đại diện một số phòng nghiệp vụ.

Thay mặt đoàn khảo sát, Trung tướng Trần Đình Nhã, Trưởng đoàn đã nêu lên những yêu cầu của đoàn khảo sát đối với thành phố Hà Nội trong báo cáo kết quả thực hiện các Pháp lệnh công an xã; Pháp lệnh Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Pháp lệnh Cảnh vệ, nhấn mạnh cần chỉ rõ những bất cập cần khắc phục sửa chữa các pháp lệnh này.

Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội nêu yêu cầu của đoàn khảo sát

Chủ trì tiếp đoàn khảo sát, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, các cơ quan liên quan tham gia hội nghị hôm nay cần nhận thức rõ đây là cơ hội tốt để trao đổi kiến nghị những quy định đặc thù cho Thủ đô để phát huy được tiềm năng và hoàn thành được nghĩa vụ trách nhiệm. Không chỉ đóng góp vào quy định của pháp luật mà thông qua khảo sát, các đơn vị liên quan cũng nêu lên những kiến nghị đề xuất để đoàn khảo sát ghi lại và trình bày tại Quốc hội.

Theo yêu cầu của Đoàn khảo sát, tại buổi làm việc, dưới sự chủ trì phân công của Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP đã phân công đại diện các phòng nghiệp vụ của CATP đã báo cáo tóm tắt thực hiện Pháp lệnh công an xã; Pháp lệnh Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Pháp lệnh Cảnh vệ,  nêu rõ những bất cập trong quá trình thực hiện, kiến nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các pháp lệnh này.

Sau 7 năm thực hiện, Pháp lệnh Công an xã đã lộ rõ nhiều bất cập như trên địa bàn một số huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, lực lượng CAX phải thực hiện nhiều việc, áp lực thời gian, công việc lớn; khó tuyển được người tham gia vào lực lượng CAX vì chế độ, chính sách đối với đội ngũ hoạt động trong lực lượng công an xã chưa được đảm bảo, phụ cấp thấp nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu sinh hoạt gia đình và công tác thực tiễn; việc giải quyết chế độ, chính sách về thương binh liệt sỹ đối với lực lượng CAX còn rất khó khăn và chậm trễ; trụ sở làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ lực lượng CAX còn thiếu so với quy định và nhu cầu thực tế…

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến đoàn công tác

Tại buổi khảo sát, chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ đã nêu lên những bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ đó là việc quy định hưởng chế độ là lực lượng chuyên trách của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Trong khi đó, hàng năm CATP Hà Nội và TP.HCM bảo vệ hàng nghìn đoàn khách quốc tế, các nguyên thủ đến thăm và làm việc lại không được hưởng chế độ này. Do đó, chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ đề nghị Quốc hội, Bộ Công an nghiên cứu thành lập Phòng Cảnh vệ riêng trực thuộc CATP và do Bộ Tư lệnh Cảnh vệ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ.

Còn đối với Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, theo chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, trong 5 năm thực hiện pháp lệnh, văn bản triển khai chưa đồng bộ, chỉ phân công, phân cấp cho công an các tỉnh, thành phố thực hiện, chưa cụ thể đến các cấp cơ sở do đó gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Một số loại súng như súng săn, súng bắn đạn bi, súng tự chế, súng kíp nhưng nếu không sử dụng được lại không được coi là vũ khí quân dụng, chỉ khi nào gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhận thức của người dân làm nghề thu gom vật liệu còn đơn giản; việc quản lý, kiểm tra các cá nhân kinh doanh ngành nghề thu gom vật liệu, sắt phế thải trên địa bàn chưa chặt chẽ.

Lực lượng công an xã đã góp phần quan trọng vào giữ gìn ANTT tại khu vực nông thôn

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát cũng đã đặt câu hỏi trao đổi các vấn đề phát sinh đối với đại diện các sở ngành, các đơn vị liên quan đến các pháp lệnh đã thực hiện. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục trả lời câu hỏi của đoàn khảo sát.

Thay mặt Thành ủy, UBND TP, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn khảo sát, sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tìm hiểu thực tế việc thực thi các pháp lệnh này trên địa bàn thành phố, đồng thời sẽ có kiến nghị đề xuất, giải trình bổ sung đối với những trao đổi của đoàn khảo sát, đóng góp vào dự thảo dự án luật trên cơ sở nâng cấp các pháp lệnh này trong thời gian tới.

Kết luận buổi khảo sát, Trung tướng Trần Đình Nhã đã biểu dương sự chuẩn bị kỹ lưỡng của CATP Hà Nội, nghiên cứu và đúc rút đầy đủ mặt tích cực cũng như tồn tại hạn chế của các pháp lệnh. Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, ghi nhận để báo cáo giải trình trước Quốc hội về tính khả thi khi nâng cấp các pháp lệnh trên thành luật.