Khao khát ngày trở về

(ANTĐ) - Hà Nội ngày trở về của Tiến sĩ Chân Quỳnh, một Việt kiều Pháp, người chuyên nghiên cứu về khoa cử thời phong kiến của Việt Nam đã được ấp ủ từ lâu. Nhưng vì nhiều lý do, khiến cho cái ngày được đặt chân về đất mẹ thân yêu phải chờ đợi đến 55 năm sau bà mới được toại nguyện. Nhiều năm sống và làm việc tại Paris, kinh đô diễm lệ của thế giới, bà đã kịp cho ra đời cuốn sách tổng thể về khoa cử Việt Nam, một điều có ý nghĩa đối với Tổ quốc mình…

Khao khát ngày trở về

(ANTĐ) - Hà Nội ngày trở về của Tiến sĩ Chân Quỳnh, một Việt kiều Pháp, người chuyên nghiên cứu về khoa cử thời phong kiến của Việt Nam đã được ấp ủ từ lâu. Nhưng vì nhiều lý do, khiến cho cái ngày được đặt chân về đất mẹ thân yêu phải chờ đợi đến 55 năm sau bà mới được toại nguyện. Nhiều năm sống và làm việc tại Paris, kinh đô diễm lệ của thế giới, bà đã kịp cho ra đời cuốn sách tổng thể về khoa cử Việt Nam, một điều có ý nghĩa đối với Tổ quốc mình…

TS. Chân Quỳnh đang giới thiệu cho các du khách nước ngoài về lịch sử khoa cử Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
TS. Chân Quỳnh đang giới thiệu cho các du khách nước ngoài về lịch sử khoa cử Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Từ ý tưởng về một cuốn sách ảnh

Vốn xuất thân không phải làm công tác nghiên cứu, nhưng hình ảnh các ông nghè, đám rước vinh quy bái lạy tổ tiên cho đến các ông quan chấm thi oai vệ ngồi trên bậc cao có một sức hút mãnh liệt đối với Tiến sĩ Anh văn Chân Quỳnh. Khi đang công tác tại trường Đại học Paris-Sorbonne, vào năm 1986, mỗi buổi trưa Tiến sĩ Chân Quỳnh thường có thói quen đi dạo quanh các hiệu sách và trong một lần, bà đã được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh  đen trắng mô tả quang cảnh trường thi xưa với cảnh các học trò thi đỗ được xướng danh. TS Chân Quỳnh nghĩ rằng có nhiều người Việt Nam như mình, không được nhìn thấy những cảnh như thế này bao giờ và lúc đó, thoáng trong đầu bà xuất hiện ý tưởng về một cuốn sách ảnh.

Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, TS Quỳnh mới thấy hết được sự khó khăn của người làm công tác nghiên cứu. Tuy đang sống và làm việc ở Pháp, nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu về đất nước chúng ta, đặc biệt là các bức ảnh quý giá về khoa cử Việt Nam được người Pháp chụp lại nhưng cũng chẳng dễ dàng để cho ra đời một cuốn sách lịch sử đúng với những gì nó đã diễn ra. ảnh do các tác giả người Pháp chụp thì mỗi nơi mỗi cái, không theo quy trình thời gian cụ thể nào.

Còn những tài liệu viết về khoa cử của người Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn, mỗi tác giả viết theo một cách, cùng một đám rước kiệu vinh quy về quê của tân khoa trạng nguyên, có người viết là cờ trống đi trước nhưng có người lại viết là cờ biển ghi là tiến sĩ thứ nhất hay tiến sĩ thứ hai đi trước. Nhưng điều khó khăn nhất là, khoảng cách về thời gian giữa thời bà sống và các khoa thi là cả một vấn đề.

Có lần bà đọc báo, được biết có một người Việt Nam đã từng 3 lần tận mắt chứng kiến cảnh tượng trên. Mừng quá, bà vội viết thư cho ông nhưng cũng mất 1 năm sau bà mới gặp được ông, vì thư gửi sang tận bên Mỹ nhưng không ngờ ông cũng ở ngay tại Paris. Khi hỏi về cờ biển đi trước hay kèn trống đi trước, ông cụ liền đưa tay lên trán như đang cố gắng nhớ lại.

TS. Chân Quỳnh
TS. Chân Quỳnh

Rồi ông cụ lắc đầu: “Tôi già rồi chẳng thể nhớ nổi, hồi đó tôi mới chỉ 7, 8 tuổi còn 2 lần kia thì… khi ấy tôi còn đỏ hỏn được vú em bế ra xem, còn một lần khi tôi được 3, 4 tuổi”. Rút cuộc, 3 lần được tận mắt chứng kiến của ông cụ là không biết gì hết. Vừa buồn cười nhưng lại thấy lo, vì chi tiết này chẳng biết sẽ phải xử lý như thế nào, thì ông cụ lại bảo: “Việc gì mà phải khổ, cứ lấy sách ra mà chép”.

Thế nhưng, trách nhiệm của một người làm công tác nghiên cứu đâu cho phép bà dễ dàng như vậy. Có khi chỉ một chi tiết nhỏ thôi, nhưng bà cũng phải mất tới mấy năm để tìm ra sự thật. Để rồi dần dần, những nút thắt của lịch sử cũng được gỡ ra, tuy nhiên, không phải là tất cả. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu trong các tài liệu nghiên cứu của bà, có những chi tiết bà phải để lại cho hậu thế sau này tiếp tục lục soát lại các dữ liệu để trả lại sự thật cho lịch sử.

Đến nỗi niềm của người con xa Tổ quốc…

20 năm để hoàn thành một công trình nghiên cứu là khoảng thời gian dài  chứa đựng nhiều nỗi niềm của một người con Việt Nam. Lúc đầu bà chỉ định dành cuốn sách này cho những người Việt ở xa Tổ quốc và thế hệ người Việt thứ 2 được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sẽ hiểu hơn về dân tộc mình qua từng trang lịch sử với các hình ảnh được minh họa sinh động.

Nhưng điều mà TS Chân Quỳnh không thể ngờ là cuốn sách khi được in ấn ở quê nhà, nó lại trở nên có ý nghĩa hơn bà tưởng rất nhiều. ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có treo các bức ảnh được phóng to nhằm giúp cho các thế hệ người Việt Nam hiểu được truyền thống của dân tộc mình. Và lúc đứng ngắm những bức ảnh đó, bà thấy thật hạnh phúc với thành quả bao nhiêu năm lao động cật lực của mình đã được đền đáp.

Trở về cố hương…

Ngồi trong khoang máy bay để trở về, vậy mà lòng bà cứ thấy hồi hộp không yên. Bao nhiêu kỷ niệm của một thuở lại ùa về. Ngày đó, Hà Nội không đông người và náo nhiệt như bây giờ, và quyền được học hành của trẻ em đâu có dễ dàng.

Vào thời đó, chỉ có con nhà giàu và quan lại mới được học trường Tây, nhưng bản thân gia đình cô bé Quỳnh chỉ là một gia đình buôn bán nhỏ tại Hà Nội cùng với tư tưởng phong kiến, coi việc học hành chỉ dành cho nam giới nên việc đến với con chữ của bà cũng không phải là điều dễ dàng. Và bây giờ bà vẫn còn nhớ mãi con đường từ nhà đến trường ngày đó, nhỏ thôi và cũng “ổ trâu, ổ bò”, cứ sau cơn mưa lại sình lên, đầy nước.

Nhiều năm trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, điều mà bà lo lắng nhất là tình cảm mọi người trong gia đình dành cho mình. Nhưng rồi những bước chân ngập ngừng đầu tiên đặt chân tới đất mẹ đã dần được thay  bằng niềm vui sướng tràn ngập, bà nhận thấy dẫu cảnh vật đã đổi thay nhưng tình cảm mà mọi người dành cho bà vẫn đầm ấm như xưa.

Những con đường của Hà Nội giờ đây đã rộng hơn, đẹp hơn và thênh thang đón bước chân của một người con xa nhà lâu ngày. Ngôi nhà gắn bó nhiều kỷ niệm với bà trước kia, nay vẫn còn đó nhưng đã chật chội hơn với các thế hệ tiếp theo trong gia đình bà đã nối tiếp nhau ra đời. Vậy là căn phòng nhỏ nằm trong nhà khách Quê Hương trên phố Bà Triệu đã trở thành ngôi nhà nhỏ của bà. Bà đã quyết định ở lại quê hương trong quãng đời còn lại để tiếp tục công việc viết văn và nghiên cứu lịch sử.

Đôi mắt của bà bây giờ đã kém lắm, nên đi đâu cũng cần có người đưa đi. Và cứ sáng sáng, người cháu lại đến đưa bà đi tập thể dục ở Hồ Gươm để bà được hít thở không khí trong lành, để được ngắm nhìn những người qua lại, được nghe những âm thanh của Hà Nội yêu dấu... Đó chính là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng ngọt ngào mà lâu lắm rồi bà mới được tận hưởng.

Phạm Hương