Khẳng định ý chí Asean

ANTĐ - Lần đầu tiên trong vòng 20 năm, Ngoại trưởng các nước ASEAN ra một tuyên bố riêng biệt về tình hình Biển Đông, thể hiện sự lo ngại sâu sắc trước những diễn biến có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Tuyên bố nêu rõ các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cần thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Sự lo ngại của Ngoại trưởng các nước ASEAN xuất phát từ thực tế đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Điều này chẳng những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, mà còn là hành động cực kỳ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu như những hành động như vậy tiếp tục diễn ra? Ai cũng biết Biển Đông không chỉ là biển liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc, bao bọc xung quanh Biển Đông còn nhiều nước ASEAN như Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Đây cũng là nơi còn tồn tại những tranh cãi liên quan đến chủ quyền biển, đảo giữa nhiều nước. Chính vì thế, tác động từ một “điểm nóng” nếu không sớm được giải quyết có thể sẽ lan rộng ra toàn khu vực.

Trong khi đó, ASEAN đang trong những bước đi cuối cùng thực hiện mục tiêu trở thành một cộng đồng chung vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN. Bất cứ một nguy cơ xung đột nào xảy ra cũng sẽ gây tổn hại cho sự ổn định của khu vực và làm trì hoãn mục tiêu lớn mà ASEAN nỗ lực phấn đấu trong nhiều thập kỷ qua. 

Nhìn rộng ra, Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải thuộc loại nhộn nhịp nhất thế giới, nơi chiếm tới hơn 40% tổng khối lượng hàng hóa đường biển của thế giới. Nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông và châu Phi cho các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đi qua Biển Đông. Điều đó giải thích tại sao ngay sau khi Trung Quốc có hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu…đều lên tiếp bày tỏ lo ngại nguy cơ tự do hàng hải tại Biển Đông bị cản trở, đồng thời yêu cầu phải bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển.

Tất cả những lý do trên đã đưa đến quyết định nhanh chóng của Ngoại trưởng các nước ASEAN ra Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông. Nó không những cho thấy sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN với các vấn đề nảy sinh trong khu vực, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của ASEAN trước mục tiêu cao cả phấn đấu vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.