Khẳng định vị thế Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Cyril Ramaphosa mời Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và mời đoàn Lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị các chính đảng G20 tổ chức trong năm 2025 tại Nam Phi đã khẳng định vị thế cũng như vai trò của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Chủ tịch Đảng ANC Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Chủ tịch Đảng ANC Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa

Việt Nam đang phát triển năng động, có trách nhiệm

Trong cuộc điện đàm ngày 22-4 với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Cyril Ramaphosa đã chính thức mời Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và mời đoàn Lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị các chính đảng G20, Hội nghị Thượng đỉnh G20 và chuỗi các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Nam Phi trong năm 2025.

Lời mời được Chủ tịch Đảng ANC, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra sau khi chúc mừng Việt Nam vừa tổ chức thành công Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững, bao trùm.

Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử khi Nam Phi trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch G20. Với chủ đề trọng tâm là tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững, Nam Phi đã đề ra 3 ưu tiên chính cho nhiệm kỳ của mình. Đó là, tăng trưởng kinh tế toàn diện, công nghiệp hóa, việc làm và giảm bất bình đẳng. Nam Phi đặt mục tiêu thúc đẩy các chính sách kinh tế nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo, tạo cơ hội việc làm và hỗ trợ công nghiệp hóa, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Về an ninh lương thực, đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và bền vững là một trong những thách thức lớn của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị. Với trí tuệ nhân tạo (AI) và đổi mới để phát triển bền vững, Nam Phi nhấn mạnh vai trò của công nghệ, đặc biệt là AI, trong việc thúc đẩy các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề toàn cầu, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong phát triển.

Bên cạnh đó, Nam Phi cũng tập trung vào hai vấn đề quan trọng khác: tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa khí hậu và cải thiện “khả năng bền vững nợ” cho các nước đang phát triển. Đặc biệt, Nam Phi kêu gọi huy động tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó các quốc gia chịu trách nhiệm lớn về biến đổi khí hậu cần hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng ít đóng góp vào khủng hoảng này.

Những ưu tiên này không chỉ phản ánh nhu cầu cấp bách của châu Phi mà còn phù hợp với các thách thức chung của thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của Việt Nam tại G20 năm 2025 không chỉ là cơ hội để đóng góp vào các giải pháp toàn cầu mà còn là dịp để khẳng định vị thế của một quốc gia đang phát triển năng động, có trách nhiệm.

Ghi dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế

Việt Nam những năm qua đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế thông qua các thành tựu kinh tế, chính trị và ngoại giao. Từ một quốc gia nghèo từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các tổ chức khu vực và toàn cầu như ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu.

Lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay của Chủ tịch Đảng ANC, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là một minh chứng cho sự công nhận quốc tế đối với vị thế và vai trò của Việt Nam hiện nay. Dù không phải là thành viên chính thức của G20, Việt Nam đã 5 lần được mời tham dự với tư cách khách mời diễn đàn quy tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc tiếp tục được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2025 tại Nam Phi cho thấy Việt Nam không chỉ là một quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực mà còn là một đối tác quan trọng trong các cuộc thảo luận, giải quyết các thách thức, vấn đề toàn cầu.

Điều này phản ánh sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác đa phương.

Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2025 vì thế là một cơ hội để chúng ra đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời thể hiện tiếng nói của một quốc gia đang phát triển trong việc định hình các chính sách kinh tế và môi trường.

Từ những ưu tiên của nước chủ nhà Nam Phi, Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm bất bình đẳng. Có thể nói, Việt Nam là một ví dụ điển hình về một quốc gia đang phát triển đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong khi vẫn duy trì ổn định xã hội.

Với các chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ từ Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo đói từ hơn 70% vào những năm 1980 xuống còn 1,93% vào năm 2024. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với các chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực có thể là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi đang tìm cách giảm bất bình đẳng.

An ninh lương thực là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nam Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2025 và đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh. Từ một quốc gia phải nhập lương thực, Việt Nam nay đã là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và đạt được những thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đóng góp vào nguồn cung lương thực toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km và các khu vực đồng bằng thấp, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm đổi mới tại khu vực Đông Nam Á, đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực AI, dữ liệu lớn và chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang triển khai chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, với mục tiêu đưa AI trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Với lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của quốc gia chủ nhà Nam Phi, Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế của mình như một quốc gia đang phát triển năng động, có trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào các giải pháp toàn cầu. Với tinh thần chủ động và tầm nhìn chiến lược hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình một thế giới công bằng, bền vững và thịnh vượng hơn.