- Việt Nam là điểm sáng trong “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới
- Kinh tế Việt Nam phục hồi đầy ấn tượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp CEO Nvidia Jensen Huang trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2024 |
Điểm sáng kinh tế nổi bật
Việt Nam cũng như các quốc gia khu vực và thế giới đều phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong năm 2024 và hơn thế còn chịu thiệt hại nặng nề bởi siêu bão Yagi (bão số 3), song đã nỗ lực vượt “cơn gió ngược” để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và khu vực. Năm 2024 vì thế không chỉ cho thấy khả năng chống chọi, vượt nghịch cảnh để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mà còn minh chứng cho khả năng thích nghi và sáng tạo của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Vào những ngày cuối năm 2024 và đầu năm mới 2025 này, các tổ chức và định chế tài chính quốc tế hàng đầu khu vực, thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đã liên tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm 2024 và 2025. Trong đó, theo ADB, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2024 được dự báo đạt 6,4% và tăng lên 6,6% trong năm 2025 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất và thương mại, cùng các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Tương tự, WB cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025. Theo ngân hàng HSBC, sau quý I đầy thách thức, triển vọng kinh tế của Việt Nam đã dần tích cực hơn khi không ngừng phục hồi trong cả năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bất ngờ vươn lên mức 6,9% và 7,4% lần lượt trong quý II và quý III, qua đó tăng trưởng cả năm 2024 được nâng từ 6,5% lên 7%.
Theo các chuyên gia kinh tế, hai động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong năm 2024 là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Đây là thành quả có được từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến công tác phát triển thị trường. Cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp khi đã chủ động, linh hoạt đa dạng hoá thị trường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư FDI thực hiện tại nước ta trong 11 tháng của năm 2024 đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp dòng vốn này vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản và công nghệ cao là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư.
Nhìn nhận về nền kinh tế Việt Nam năm qua, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, bất ổn địa chính trị và thiên tai, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Vị chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, sự ổn định của môi trường kinh doanh và các cải cách không ngừng là những yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyển hướng sang thu hút đầu tư công nghệ cao
Với những nền tảng bền vững và chiến lược phát triển phù hợp cùng nỗ lực cải cách liên tục môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam được cho sẽ tiếp khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng kinh tế nổi bật ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, việc Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cần nhiều lao động, tài nguyên… sang thu hút đầu tư công nghệ mới, công nghệ cao sẽ tạo nền tảng bền vững thích ứng với tương lai nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.
Chuyên trang về đầu tư Vietnam-briefing.com của tập đoàn Dezan Shira & Associates vào tháng 12-2024 đã đăng tải bài viết nhận định, trong lĩnh vực công nghệ, thỏa thuận chiến lược với NVIDIA để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường AI tại Việt Nam dự kiến đạt 753,4 triệu USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt tới 28,36% trong giai đoạn 2024-2030. Mức tăng trưởng của Việt Nam tương đương với tốc độ tăng trưởng 28,53% của khu vực. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam có khả năng bắt kịp quá trình chuyển đổi công nghệ toàn cầu, được thúc đẩy nhờ đầu tư nước ngoài.
Bài viết trên Vietnam-briefing.com nhấn mạnh, khoản đầu tư chiến lược của “ông lớn” bán dẫn lớn nhất toàn cầu NVIDIA vào Việt Nam đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI tương lai của Đông Nam Á. Việc NVIDIA thành lập hai trung tâm AI tại Việt Nam và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty trong nước như VinBrain và tập đoàn FPT chứng tỏ Việt Nam ngày càng có vị thế nổi bật trong hệ sinh thái AI toàn cầu.
Những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng công nghệ cao, công nghệ mới của Việt Nam phải kể đến lực lượng lao động trẻ, năng động và chi phí cạnh tranh. Đặc biệt là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút công nghệ cao. Mới đây nhất, trong Nghị định 182 được ban hành ngày 31-12-2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Chính phủ cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) công nghiệp bán dẫn và AI.
Việc các “đại bàng” bán dẫn, AI tìm đến Việt Nam không chỉ giúp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà còn khẳng định vị thế đang lên của nền kinh tế Việt Nam tại khu vực và trên toàn cầu. WB trong báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao” công bố hồi tháng 11-2024 đã đề xuất lộ trình giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Theo định chế tài chính toàn cầu này, trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại.
Với nền tảng thành công sẵn có cùng nỗ lực liên tục, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới. Bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng để duy trì tăng trưởng nhanh, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng sử dụng nhiều dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công bền vững, lâu dài.