Khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước

ANTĐ - Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. 

Theo bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nội dung về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số quyền mới được bổ sung và thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng phát triển quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới vừa qua.

Tuy nhiên, trong chương II, điều 42 “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” thì cần có những quy định cụ thể hơn. Trong điều 54 sửa đổi bổ sung “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” cần khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước bởi trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong các mũi nhọn của kinh tế đất nước, thực hiện các công trình trọng điểm về an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an sinh xã hội…