Khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số

ANTD.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, bởi đây là vùng trọng yếu, “phên dậu” quốc gia. 

Chiều 12-6, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, bởi đây là vùng trọng yếu, “phên dậu” quốc gia. 

Tuy nhiên ông Phương băn khoăn khi các chỉ tiêu của chương trình được lượng hoá cụ thể bằng các con số thì liệu tới đây các mái nhà truyền thống của bà con dân tộc thiểu số có còn không, có giữ được kiến trúc đặc thù hay không, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường có được học tiếng dân tộc của mình hay không...

"Thống kê trên thế giới có 40% ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hoà, đồng nghĩa sự biến mất của nhiều dạng văn hoá phi vật thể”, ông Phương lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết khoảng 40% ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hoá

Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) đánh giá đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội cho người đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển, là mơ ước của nhiều bà con đang khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, điều kiện sinh hoạt…

Bà Hà đề nghị Chính phủ nghiên cứu để xây dựng tiêu chí thế nào là nhóm dân tộc còn khó khăn hay đặc biệt khó khăn, bởi đây là cơ sở để triển khai chính sách một cách hiệu quả; giao quyền cho các địa phương quyết định bởi chỉ địa phương mới thực sự hiểu được tạo sinh kế cho đồng bào thế nào là phù hợp; đồng thời không cần thiết phải xây dựng các mô hình cụ thể, tránh tình trạng phù hợp với địa phương này nhưng không phù hợp với địa phương khác, phù hợp với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác bởi khác biệt về tập tục, điều kiện tự nhiên…

“Việc xác định vốn dường như đang bị ngược quy trình”, đặt ra vấn đề trên, đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho biết hiện nay Uỷ ban Dân tộc mới đang chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, xác định các xã khu vực 1, 2, 3 và các thôn đặc biệt khó khăn để tổng hợp, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Như vậy có nghĩa là, con số 1.400 xã và 8.000 thôn chỉ là con số ước tính, tạm thời. Thực tế thấp hơn con số đó, do công tác phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển hiện vẫn chưa hoàn thành”, bà Bình nói và cho rằng, lẽ ra phải khẩn trương hoàn thành công tác phân định, phê duyệt danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn trước kỳ họp này thì mới có đủ cơ sở xác định tổng số đối tượng, địa bàn đầu tư, từ đó mới dự kiến được nguồn vốn cho chương trình chính xác, hợp lý. 

Chỉ ra sự bất hợp lý trong việc bố trí, cơ cấu vốn, nữ đại biểu đoàn Phú Thọ đồng thời đề nghị tiếp tục ra soát lại cơ cấu vốn của chương trình; cân đối và bố trí lại theo hướng giảm vốn sự nghiệp, tăng vốn đầu tư, cơ đối vốn sự nghiệp phải đặt trên tổng thể khó khăn ngân sách những năm sau, và yêu cầu giảm chi nguồn chi ngân sách để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện chương trình. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho biết giai đoạn 2016-2020, chúng ta đang thực hiện đồng thời hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, hai chương trình này đã phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, qua rà soát 2 chương trình đang thực hiện với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, địa bàn thực hiện. 

“Đề nghị Chính phủ có đánh giá tổng kết, đánh giá kết quả hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi của 6 dự án thành phần có nội dung trùng lặp; làm rõ các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào để đảm bảo không chồng chéo…

Trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng, cơ chế phối hợp, tiêu chí phân bổ nguồn lực, hạn chế, loại bỏ các dự án không phù hợp hoặc có điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi”, ông Toàn nói.