Khẳng định dấu ấn 60 năm Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

ANTD.VN - Ngày 10-10, Khoa Kinh tế chính trị (thuộc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) đã kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Đây là một trong những khoa đầu ngành về giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học; góp phần phát triển chuyên ngành Kinh tế chính trị trong quân đội và quốc gia.

Khoa Kinh tế chính trị tiền thân thuộc trường Lý luận Chính trị, nay là Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), chính thức được thành lập ngày 10-10-1957 với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy kinh tế chính trị học Mác - Lênin, đường lối chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng cho cán bộ chính trị trung, cao cấp của quân đội.

PGS.TS Bùi Ngọc Quỵnh - Đại tá - Chủ nhiệm Khoa đã điểm lại chặng đường 60 năm của Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin: “Ra đời trong những năm đầu của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn với nhiều thách thức, từ những giảng viên đầu tiên đến nay quân số của khoa là 27 giảng viên với 5 bộ môn.

Các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu vươn lên xây dựng Khoa vững mạnh, xứng đáng là một trong những khoa đầu ngành về giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện và quân đội; đồng thời góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, phát triển chuyên ngành Kinh tế chính trị trong quân đội và quốc gia”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị biểu dương các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên của khoa Kinh tế chính trị học Mác Lênin

60 năm qua, Khoa Kinh tế chính trị học Mác - Lênin đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quân đội cũng như cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các nước bạn Lào, Campuchia với hàng nghìn cử nhân, hơn 700 học viên cao học, trong đó hơn 540 học viên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ kinh tế (có 10 thạc sĩ là bạn Lào); đào tạo trên 70 nghiên cứu sinh, trong đó 50 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế (có 01 tiến sĩ kinh tế của quân đội nhân dân Lào, 01 tiến sĩ của quân đội Hoàng gia Campuchia).

Hầu hết các học viên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế đều phát huy tốt kiến thức được trang bị, đang là lực lượng chủ chốt của các trường sĩ quan, các học viện và cơ quan trong và ngoài quân đội. Nhiều đồng chí được phong hàm phó giáo sư, được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, trở thành tướng lĩnh giữ cương vị chủ chốt của các Học viện, nhà trường, đơn vị quân đội.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng PGS- TS. Nguyễn Văn Bạo – Giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng Khoa Kinh tế Chính trị. 

Lãnh đạo Khoa Kinh tế chính trị học Mác Lênin đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định: “Trong những năm qua, Khoa Kinh tế chính trị học Mác-Lênin đã tích cực đổi mới chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đội ngũ cán bộ Quân đội.  Khoa đồng thời là một trong những tập thể sư phạm cung cấp cho Học Viện các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và nhà khoa học, đóng góp không nhỏ và sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và nghiên cứu khoa học”.

Để phát huy truyền thống hơn 65 năm Học viện Chính trị Anh hùng, Thiếu tướng PGS-TS Nguyễn Văn Bạo yêu cầu tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế chính trị cần làm tốt những nhiệm vụ chính như: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cách mạng vững vàng,  xây dựng sự đoàn kết nhất trí cao, khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ; Kế thừa và phát triển những truyền thống vẻ vang của Khoa; Đổi mới mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu phương pháp dạy học cho các đối tượng; Phát huy hơn nữa tiềm lực lực khoa học, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng sư phạm trong Học viện, các lực lượng giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế chính trị trong quân đội và quốc gia”.