Khẳng định chủ quyền biển đảo trên Cửu đỉnh

ANTĐ - Chín chiếc đỉnh đồng trứ danh trong sân Thế miếu, Hoàng thành Huế được làm theo lệnh của vua Minh Mạng nhằm củng cố đế nghiệp nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng muốn dành tên đỉnh làm miếu hiệu tức tên đặt ra sau khi chết của hoàng đế. 

Chẳng hạn, Cao đỉnh ứng với Gia Long là Thế tổ cao hoàng đế được đặt chính giữa làm chuẩn. Các đỉnh tương ứng với các vị vua sau đặt theo nguyên tắc tỏa ra hai bên, trái trước, phải sau. Cũng lưu ý rằng, trong Thế miếu xưa, chính quyền bảo hộ Pháp không cho phép thờ 3 vị vua nhà Nguyễn có tư tưởng chống Pháp là Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái. Việc thờ cúng mới chỉ được đưa vào từ năm 1959.

Về kích thước, do có nhiều nhóm thợ khác nhau làm thủ công đã dẫn đến việc không thể thống nhất kích thước và trọng lượng. Tuy nhiên, các đỉnh vẫn tạo ra thống nhất trong tổng thể. Chín chiếc đỉnh có một trật tự trang trí chặt chẽ trên mặt, được chia làm nhiều tầng. Tầng giữa được tập trung những hình quan trọng nhất với tên đỉnh làm trung tâm. Hai bên đỉnh là núi cao hùng vĩ, đối lại bên kia là biển cả hoặc cửa sông rộng mở. Những hình này đều có tên riêng, có thể coi như tập hình đồ phong cảnh đất nước.

Trên đỉnh còn có những đề tài như cây to quý hiếm, chim đẹp quý hiếm, cây lương thực, cây hương vị cây thiêng, phương tiện đi lại, thú vật, vũ khí chiến trận. Có một điều đặc biệt, ý thức biển đã được thể hiện rất rõ từ thời bấy giờ. Hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao Đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương Đỉnh (Thiệu Trị) là ba cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn.

Vua Gia Long chính là người đã sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa theo như truyền thống có từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên gần 2 thế kỷ trước. Ông còn tuyên bố về hoạt động chủ quyền của Vương triều mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào phản đối hay có ý định tranh giành với ông. Chính bởi vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định Cửu đỉnh là một cụm tượng đài độc lập hoành tráng, là “bách khoa thư” về nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX, là công trình văn hóa lớn nhất, để đời của Vua Minh Mạng.