Di sản văn hóa biển Việt Nam (2)

Khẳng định chủ quyền biển đảo

ANTĐ - Những tư liệu quý giá trên không chỉ chứng minh sự du nhập mạnh mẽ của nước ta đối với giao thương trên biển mà còn bổ sung thêm vào những chứng cứ khoa học khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. 

Những hiện vật gốm sứ tìm thấy dưới biển Việt Nam


Cầu nối văn hóa và thương mại quốc tế

Với đường bờ biển dài 3.260km, vùng biển rộng với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ xa bờ, gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ lâu cư dân Việt cổ đã gắn liền đời sống sinh hoạt với biển. Biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc Việt Nam. Sau khoảng thời gian dài đơn thuần chỉ là điểm trung chuyển trên các tuyến giao thương, những cảng thị sơ khai dần tiếp nhận cả những nền văn hóa, tôn giáo du nhập thông qua hải trình này.

Trong thời kỳ Bắc thuộc Đông Ngô, cùng với thời kỳ Sỹ Nhiếp vào cai trị Giao Châu, ông đã cho xây dựng thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) nằm trên tuyến đường nối liền các cảng biển với bộ máy cai trị của chính quyền đô hộ. Những dấu tích còn sót lại về một quần thể các di tích Phật giáo tại khu vực đã cho thấy sự phát triển của một trung tâm Phật giáo lớn. Bản ảnh Tượng Thiền sư Khâu Đà La (chùa Tổ, Bắc Ninh), Thạch Sàng - dấu tích của Thiền sư Khâu Đà La (chùa Nành, Gia Lâm), tượng cừu chùa Dâu và đền Sĩ Nhiếp (Bắc Ninh) là những chứng cứ rõ rệt phản ánh sự giao lưu văn hóa thông qua các hải trình buôn bán.

Ngược dòng lịch sử, theo bản trích Lâm Ấp Ký (đến nay đã tuyệt bản) được trưng bày trong cuộc triển lãm, đã mô tả dấu ấn của Đại đế Ashoka (Vua A Dục - một vị hoàng đế kiệt xuất của Ấn Độ, ủng hộ Phật giáo) tại lưu vực sông Hồng trước Công Nguyên. Điều đó cho thấy, sự du nhập văn hóa và tôn giáo đã bắt đầu từ cách đây hơn 2.000 năm và cực thịnh vào thời kỳ thủ phủ trị sự của Giao Châu được đặt tại Luy Lâu. Chính những điều đó đã làm nền tảng trong tâm thức của cư dân Việt sau thời Bắc thuộc về việc tiếp tục phát triển và củng cố con đường giao thương trên biển.

Từ cuối thế kỷ XV, những phát kiến địa lý thông qua thám hiểm thế giới đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu dẫn đến việc thiết lập một mạng lưới mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền các châu lục. Vào thời gian này, mậu dịch thuyền mành của Hoa thương, Châu Ấn thuyền của Mạc Phủ Nhật Bản, Công ty Hoàng Gia của Bồ Đào Nha, các Công ty Đông Ấn của Hà Lan, Anh, Pháp đã đua nhau thâm nhập thị trường Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thương mại. Đáp lại, các chính quyền phong kiến đương thời đã đưa ra nhiều chính sách phát triển ngoại thương rất cởi mở, thông thoáng. Có thể nói, trong lịch sử cổ, trung đại Việt Nam, chưa bao giờ nền kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn này. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Domea ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong là những mắt xích không thể thiếu trong hệ thống hải thương toàn cầu. 

Bằng chứng lịch sử

Bản đồ Carte des Costes de Cochinchine Tunquin

Sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam thời kỳ này cũng thể hiện mạnh mẽ chủ quyền biển đảo của nước ta. Chính những nỗ lực vươn ra, làm chủ biển đã thúc đẩy các vương triều Đại Việt chăm lo thực thi, khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc trên biển Đông. Tiếp nối sự nghiệp tiền nhân, cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hóa vật, các vua nhà Nguyễn còn thường xuyên tổ chức vãng thám, trồng cây, xây chùa, dựng bia, cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền. Vua Minh Mạng còn cho lập bản đồ quốc gia Đại Nam nhất thống toàn đồ, trong đó thể hiện cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được minh chứng rõ ràng thông qua bản in sao châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa.

Trong cuốn Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng có ghi chép lại rất rõ ràng về chủ quyền của nước ta với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra có rất nhiều các hiện vật có nguồn gốc nước ngoài góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước ta như Bản đồ Carte des Costes de Cochinchine Tunquin, Harrevelt E.van/ Changuion D.J, Amsterdam, Bản in sao An Nam đại quốc họa đồ của Đức giám mục Jean-Louis Taberd, 1838. Nhiều nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực khảo cổ học, văn hóa đã đánh giá cao cuộc triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. GS. TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định: “Các tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, điển hình sử dụng trong trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa biển Việt Nam đã góp phần bổ sung, củng cố tài liệu khoa học về việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời và liên tục đối với các vùng biển, đảo”.

Cuộc trưng bày, triển lãm tuy mới chỉ giới thiệu được một phần rất nhỏ trong số những hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa biển Việt Nam. Nhưng đã góp phần rất lớn trong việc khẳng định nền văn hóa của đất nước ta luôn gắn liền với biển. Biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc Việt Nam.