Khẩn trương xử lý, vệ sinh môi trường sau lũ

ANTD.VN - Mưa lũ kéo dài hơn 10 ngày qua tại tỉnh Quảng Ngãi đã khiến hơn 1.500 nhà dân cùng với nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập lụt, ô nhiễm. Sau khi nước lũ rút ở một số nơi, ngành y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ.

Nhiều ngày qua, ngôi nhà của bà Trần Thị Lan (ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ) bị ngâm trong nước lũ. Sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, nhưng điều bà  Lan lo lắng hơn cả vẫn là nguồn nước uống. Cả hai chiếc giếng khơi lẫn giếng đóng đều bị nước lũ tràn vào. Đến hiện tại, dù lũ đã rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình bà Lan bị đục ngầu.

“Hơn cả tuần, nhà tôi đã dùng hết lượng nước uống dự trữ trong thùng rồi. Khi nước rút gia đình tôi phải mua nước khoáng đóng chai uống vì sợ uống nước giếng vào thì sẽ bị đau bụng”, bà Lan bộc bạch.

Không riêng gia đình bà Lan, nỗi lo về nguồn nước uống trong lũ là nỗi lo chung của gần 100 hộ dân có giếng nước bị ngập ở thôn An Trường. Nhiều gia đình phải đi lấy nhờ nước uống từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước do lo sợ, nước lũ tràn vào giếng gây ô nhiễm nặng.

Cán bộ xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, cấp thuốc cho các hộ dân bị ngập lũ

Để đảm bảo người dân không thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh không phát sinh sau lũ lụt, Công an huyện Đức Phổ phối hợp ngành y tế tập trung xử lý môi trường bằng hóa chất cloramin B, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước để sinh hoạt bằng thuốc viên Aquatabs trong những ngày sau lũ. Đồng thời tổ chức tuyên truyền khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm.

Thiếu úy Lê Trung Cấp, Công an huyện Đức Phổ cho biết: “Hiện nước lũ còn có thể lên lại, nên chúng tôi phối hợp y tế xã cấp phát thuốc Aquatabs dạng viên cho các hộ bị ngập lụt. Đồng thời hướng dẫn cho người dân cách sử dụng. Đây là biện pháp tạm thời để khử khuẩn nước uống với công thức khử khuẩn cho 20 lít nước với 1 viên Aquatabs”.

Được biết xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ có hàng trăm hộ dân bị ngập nặng, trên 60 con lợn và hàng trăm con gà bị chết.

Theo ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Phổ Ninh cho biết, nước sạch sinh hoạt và công tác vệ sinh môi trường để phòng tránh dịch bênh đang là vấn đề địa phương cũng như nhân dân vùng lũ rất quan tâm. Do ngập sâu trong nước nhiều ngày, nhiều giếng nước của người dân bị ô nhiễm, không thể sử dụng ngay được mà phải chờ xử lý.

“Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị y tế huyện thực hiện các biện pháp khử trùng, làm sạch nguồn nước cho người dân, đồng thời tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường”, ông Bằng cho biết.

Được biết, trận lũ vừa qua đã khiến 1.500 nhà dân ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, kéo theo đó là hàng nghìn giếng nước sinh hoạt của người dân cũng bị nước lũ tràn vào gây ô nhiễm. Với diện tích bị ngập úng rộng, do vậy ngay khi nước rút, cán bộ y tế xã, thôn tại các địa phương triển khai việc súc rửa, khử trùng giếng nước, xử lý nhà tiêu bị ngập, hỏng; tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết tại các khu vực bị ngập úng.

Ở hầu khắp các huyện bị ngập lụt trên diện rộng, như: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn… các đơn vị y tế đều đã tiến hành xử lý nước uống tạm thời cho người dân. Đồng thời, đối với những nơi nước đã rút, cán bộ y tế thôn, xã cũng đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn khử khuẩn giếng nước và môi trường bằng cloramin B. Đến lúc này, ngành y tế Quảng Ngãi đã xử lý hơn 500 giếng nước và 336 hố xí, nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt không bị nhiễm khuẩn.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ y tế thôn, xã theo dõi bám sát các hộ dân ở vùng trũng để hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Trong thời gian tới khi nước lũ rút hết, hệ thống y tế dự phòng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, đảm bảo các dịch bệnh như đau mắt đỏ, bệnh về da, bệnh về tiêu hóa không tấn công người dân”.

Khi lũ đã rút, việc quan trọng cần làm là phải xử lý môi trường, phòng tránh những dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ. Tính đến nay, để đối phó với dịch bệnh, ngành y tế đã cấp về các địa phương hơn 4 tấn hóa chất cloramin B và 50 nghìn viên Aquatab. Đây là những hóa chất rất cần thiết giúp người dân khử khuẩn nguồn nước, nhà vệ xinh và môi trường xung quanh trong và sau lũ.