Khẩn trương đầu tư trường lớp để "chạy" chương trình giáo dục phổ thông mới

ANTD.VN - Chiều 9/1, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT Phạm Hùng Anh cho biết, sẽ có 4 nguồn kinh phí để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, đáng lưu ý, cả nước hiện còn 25% số phòng học chưa được kiên cố hoá.

Chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành phố trên cả nước về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Liên quan đến cơ sở vật chất trước yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mới, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh cho biết, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỉ lệ kiên cố 74,9%.  Như vậy, vẫn còn 25% số phòng học chưa được kiên cố hoá.

Trong đó: mầm non 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%. Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở bậc mầm non là 0,96, tiểu học 0,89, THCS 0,84, THPT 0,85. Tỉ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp bậc mầm non 0,63; tiểu học 0,63; THCS 0,71; THPT 0,81.

Đối với phòng học bộ môn, cấp THCS có 47.383 phòng/10.582 trường, tỉ lệ 4,5 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỉ lệ 69,9%); cấp THPT có 13.019 phòng/2.463 trường, tỉ lệ 5,3 phòng/trường, trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỉ lệ 76,6%.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về phòng học, cấp tiểu học đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày. Cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Ông Phạm Hùng Anh cho biết, có 4 nguồn kinh phí để triển khai chương trình giáo dục mới gồm: trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác cùng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho sự nghiệp giáo dục...

Ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh, các địa phương còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa còn nhiều phòng học tạm, điểm trường nhỏ lẻ cần đẩy nhanh quá trình dồn dịch lại thành các điểm trường chính để đầu tư đạt chuẩn.

Để đảm bảo các yêu cầu triển khai chương trình mới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Bộ GD-ĐT cũng giao các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm, trong đó xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, sẽ đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời. 

Đối với giáo dục tiểu học, sẽ đầu tư xây dựng phòng học (ưu tiên để bảo đảm 1 lớp/phòng), các phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập) và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT), bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.