Trước hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển Việt Nam:

Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ pháp lý, sẵn sàng đưa ra tài phán quốc tế

ANTĐ - Chiều 2-7, tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) báo cáo kết quả kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. 
Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ pháp lý, sẵn sàng đưa ra tài phán quốc tế ảnh 1

“Việt Nam chúng ta đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ta tha thiết mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với tất cả các quốc gia để xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở độc lập, tự chủ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kiên quyết, khẳng định không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, một sự lệ thuộc nào. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm như vậy”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Các cử tri cho rằng kỳ họp thứ thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã quyết định, thông qua nhiều quyết sách quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề cập tới nhiều vấn đề lớn của đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cử tri bày tỏ tuyệt đối tin tưởng, đồng tình, ủng hộ chủ trương, quyết sách, các giải pháp của Đảng, Nhà nước đề ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước có những giải pháp kiên quyết hơn trong yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam… 
Đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu các kiến nghị của cử tri và chuyển lên Quốc hội; đồng thời với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng cũng sẽ tiếp thu, xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng như sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2014 bên cạnh mặt thuận lợi, đất nước ta cũng phải phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt là từ đầu tháng 5, việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, bất chấp thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực. Việc làm này của Trung Quốc đã làm cả dân tộc ta phẫn nộ, lên án; Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đã đoàn kết, chung sức, nhất trí, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng đã làm hết sức mình để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, đe dọa, lệ thuộc nào, chúng ta đã, đang và sẽ làm như vậy. Thủ tướng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo quan hệ bình thường trên các lĩnh vực; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc vì lợi ích của cả hai bên, đồng thời cũng tính toán, xây dựng các phương án nhằm ứng phó với những tình huống bất lợi có thể phát sinh trong các quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc. 
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới các mục tiêu lớn là phải bằng mọi biện pháp, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan đang hoạt động phi pháp ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển của đất nước…

Tiến sỹ Vũ Tang Bồng - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn lịch sử kỹ thuật, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Vụ giàn khoan Hải Dương 981 làm cho người Việt Nam càng thêm gắn kết với nhau, tinh thần dân tộc được thức tỉnh, đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Đó là điều đáng mừng, đáng tự hào của người Việt Nam chúng ta. Có thể khẳng định, những phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua rất được lòng dân và khơi dậy tình yêu nước của nhân dân. Đây chính là điều mà thế giới rất ngạc nhiên trong lịch sử chống ngoại xâm của chúng ta”.

Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao: “Chúng ta ngay từ đầu đã nhận định Trung Quốc thông qua vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 để từng bước hiện thực hóa cái gọi là “đường lưỡi bò”. Cho tới giờ phút này, có thể nói với động thái xuất bản bản đồ khổ dọc mới nhất cùng một loạt tuyên bố của quan chức Trung Quốc, chúng ta đã thấy rõ họ đang đi theo xu hướng trên. Quan trọng hơn, nếu nhìn bức tranh tổng thể từ phía Trung Quốc, có thể nói họ đang có những tính toán khá chiến lược và bài bản, không chỉ đối với Biển Đông mà còn chiến lược chấn hưng Trung Hoa được chia làm 2 giai đoạn: Từ nay đến năm 2021, xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện và đến năm 2049 trở thành một nước phát triển đầy đủ. Và họ đang hướng ra biển với tham vọng xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”.     


ASEAN phải đấu tranh, ngăn chặn Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế

Ngay sau khi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng trở về Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp Ngoại trưởng Philippines vào tối 2-7. Đồng ý với nhận định về tình hình Biển Đông đang xấu đi từng ngày do việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, có những hành vi vi phạm nghiêm trọng, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không có cách nào khác, các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN phải đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế; kêu gọi cộng đồng quốc tế phê phán, phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc thực thi nghiêm túc DOC tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).