Khẩn trương bồi thường cho doanh nghiệp

ANTĐ - Chiều 19-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc gặp giữa VCCI, cơ quan chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm đại diện hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta. 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, đến sáng 19-5, 80-90% doanh nghiệp bị thiệt hại trong cuộc đình công của công nhân các nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã trở lại hoạt động bình thường. “Vừa qua, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, người dân Việt Nam trong và ngoài nước đã biểu thị lòng yêu nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số đối tượng quá khích đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi đáng tiếc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ, đưa ra các biện pháp ngăn chặn hoạt động gây rối trái pháp luật, khôi phục sản xuất”- ông Vũ Tiến Lộc nói. 

Chia sẻ về sự việc vừa xảy ra, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn sự việc tương tự sẽ không lặp lại. Theo thống kê, có 75 doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiệt hại, ảnh hưởng tới sản xuất trong vụ việc công nhân đình công ngày 13-5. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị: “Chúng tôi muốn biết biện pháp cụ thể của Chính phủ Việt Nam về hải quan, miễn giảm thuế hay hoạt động hỗ trợ tuyển dụng lao động. Cụ thể như cơ quan hải quan cần thúc đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa để doanh nghiệp giao nhận hàng hóa đúng hạn”. Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, lại hy vọng các bên liên quan hợp tác để giải quyết thiệt hại bằng tình cảm, pháp luật và kinh tế. 

Có hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp da giày Đài Loan cho rằng, vụ việc xảy ra vừa qua rất đáng tiếc, song doanh nghiệp này vẫn có niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện cho một số doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ việc vừa qua, bà Lưu Mỹ Đức- Chủ tịch Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam kiến nghị: “Việt Nam cần sớm có biện pháp xác định thiệt hại và bồi thường cho doanh nghiệp; xem xét các chính sách thuế và hải quan, cũng như tiền lương của người lao động trong thời gian doanh nghiệp ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, theo quy định mới có hiệu lực về cấp phép cho người lao động nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp khó có thể tìm được người có năng lực và đáp ứng được điều kiện”. Bà Lưu Mỹ Đức đề nghị Việt Nam xem xét nới lỏng cấp phép cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam hoạt động.

Chia sẻ và ghi nhận những thiệt hại của doanh nghiệp trong vụ việc đình công ngày 13-5 tại một số địa phương, ông Vũ Tiến Lộc cho hay: “Việt Nam khẳng định hành động phá hoại vừa rồi không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà còn phá hoại cơ sở kinh doanh, cơ sở kinh tế của Việt Nam. Tôi đồng ý với kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp là cần đẩy nhanh tốc độ xử lý thiệt hại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”.

Theo Chủ tịch VCCI, Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết không cho phép hành vi gây rối như vừa qua tái diễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phải đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các biện pháp, khẩn trương bồi thường cho doanh nghiệp thiệt hại theo đúng quy định; Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện cho tuyển dụng lao động mới thay thế lao động cũ. Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh để nhanh chóng lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh - Cục trưởng Cục an ninh tài chính - tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an): Đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc tiếp theo

Chúng tôi rất lấy làm tiếc chưa bảo vệ được tuyệt đối an ninh, an toàn tính mạng, tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng và can thiệp kịp thời để không xảy ra sự việc đáng tiếc tiếp theo. Về giải pháp, cách đây 2 ngày, Trung tướng Hoàng Kông Tư- Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã công bố trong cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao hôm 17-5. Tôi xin nhấn mạnh mấy điểm: 

Thứ nhất: Lực lượng Công an đã được tăng cường để bảo vệ các mục tiêu, công trình của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, lực lượng vẫn được tăng cường để bảo vệ hiện trường phục vụ cho hoạt động điều tra và bảo đảm trật tự. 

Thứ hai: Chúng tôi đã khởi tố vụ án và tích cực điều tra thủ phạm kích động, gây ra vụ việc trong thời gian vừa qua, nhất định sẽ sớm kết thúc điều tra để đưa ra xét xử trước pháp luật. 

Thứ ba: Tích cực phối hợp các ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, khắc phục hậu quả xảy ra với tinh thần nhanh nhất và hiệu quả. 

Thứ tư: Đã chỉ đạo lực lượng địa phương, các lực lượng liên quan rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân để rút ra biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra trong tương lai. 

Thứ năm: Chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của các lực lượng ở trung ương và địa phương, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, nơi nào để xảy ra sự việc thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. 

Tôi tin tưởng chắc chắn trong tương lai, an ninh, an toàn tài sản, tính mạng của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được đảm bảo tuyệt đối an toàn. 

Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động, tiền lương (Bộ LĐTB&XH):  Tăng cường giáo dục, tuyên truyền người lao động

Từ ngày 15-5, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu địa phương tăng cường biện pháp giáo dục, tuyên truyền người lao động tôn trọng nội quy, quy định của người lao động, hướng dẫn cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương khắc phục khó khăn. Chúng tôi đang tổng hợp, sớm báo cáo Chính phủ để có biện pháp khắc phục kịp thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Chúng tôi ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề lao động và sẽ có biện pháp xử lý. 

Ông Lưu Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): Phòng ngừa lợi dụng tình hình để trục lợi 

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm, Bộ Tài chính đã giao cho Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm bồi thường cho doanh nghiệp theo hợp đồng, giúp doanh nghiệp bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh; đồng thời có biện pháp  phòng ngừa lợi dụng tình hình để trục lợi bảo hiểm. Về thuế và hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao Cục trưởng Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh, thành phố làm sao đảm bảo không để ảnh hưởng đến quá trình quyết toán thuế, giảm thuế của doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các biện pháp và giải quyết các vấn đề về thuế theo quy định.

Ông Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT): Tập trung một đầu mối giải quyết các vấn đề

Tôi rất chia sẻ với tổn thất và thiệt hại mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã gặp phải. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ KH-ĐT nhanh chóng phối hợp với UBND tỉnh, thành phố, Ban quản lý các KCN, KCX thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn để doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất bình thường và ngăn chặn hoạt động tương tự có thể xảy ra. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp là thành lập một đầu mối để giải quyết các vấn đề thiệt hại của doanh nghiệp trong vụ việc vừa qua. 

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao): Sẽ có giải pháp khôi phục niềm tin

Người Việt Nam có câu “Của đau con xót”, chúng tôi cho rằng tổn thất của doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là tổn thất của Việt Nam. Ngày 17-5, Bộ Ngoại giao đã có họp báo quốc tế nêu quan điểm về vụ việc. Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm và nỗ lực để giải quyết hậu quả. Tôi nghĩ rằng trước mắt Việt Nam sẽ có biện pháp để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn hiện tại, còn về lâu dài sẽ có giải pháp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Trong quá trình này, chúng tôi mong mỏi sự phối hợp, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.