Khản tiếng, mất giọng: Đừng chủ quan

ANTD.VN - Khản tiếng, mất giọng trong một thời gian ngắn đôi khi chỉ là bệnh viêm thanh quản thông thường. Tuy vậy, khi khản tiếng kéo dài, người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, không nên xem thường, chủ quan.

Khản tiếng, mất giọng: Đừng chủ quan ảnh 1

Thanh quản là một phần của hệ thống hô hấp, không chỉ giúp ích cho việc phát âm mà còn ngăn chặn thức ăn rơi vào phổi khi ăn uống… Trời lạnh, nhiều người dễ bị viêm thanh quản, bên cạnh những nguyên nhân thường gặp khác như viêm nhiễm, lạm dụng chất cay nóng, rượu bia, hút thuốc lá...

Khi đó, dây thanh bị sưng nề, viêm dày làm biến dạng dây âm thanh khi không khí đi qua, hậu quả là giọng nói bị khản. Một số trường hợp viêm thanh quản, gần như không phát thành tiếng (mất tiếng, nếu điều trị đúng, kịp thời sẽ khỏi). Một số trường hợp khản tiếng kéo dài nhất là người cao tuổi có thể biến chứng nguy hiểm là ung thư thanh quản, teo dây thanh âm…

- Triệu chứng: Do khản tiếng, mất tiếng hoặc nói không rõ lời nhưng vẫn cố nói làm cho người bệnh rất mệt mỏi, đau rát họng, nuốt đau, do đó gây ho khan, tức ngực, mệt mỏi. Nếu do viêm nhiễm vi sinh vật gây bệnh có thể có sốt (tùy theo mức độ có thể sốt  nhẹ, vừa hoặc cao).

Một số người cao tuổi thường có giọng nói yếu và khản hơn, kéo dài, nguyên nhân có thể do dây thanh âm bắt đầu teo làm cho họ có giọng nói yếu, khản và rất mệt mỏi sẽ khiến người bệnh cảm thấy tự ti khi giao tiếp, dần dần  họ sẽ cô lập với cuộc sống và gia đình. Nếu do ung thư thanh quản ngoài các triệu chứng trên, đặc biệt là khản tiếng kéo dài, mất tiếng, người bệnh gầy sút, rất mệt mỏi và điều trị nội khoa (dùng thuốc) đúng chỉ định mà bệnh không thuyên giảm.

- Nguyên tắc điều trị: Khi bị khản tiếng nên đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai, mũi, họng để được chẩn đoán, điều trị kịp thời tránh để bệnh nặng và gây biến chứng. Người bệnh không nên xem thường, nhưng cũng không nên lo lắng thái quá. Nếu điều trị đúng chỉ định của bác sĩ và đã hết liều lượng nhưng bệnh không thuyên giảm, có xu hướng nặng thêm hoặc giảm chậm cần tái khám ngay. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để tự điều trị nếu không có chuyên môn về y học (không phải bác sĩ).

- Lời khuyên của thầy thuốc: Cần vệ sinh họng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt hơn nữa, súc họng nước muối sinh lý trước khi đánh răng. Tránh lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, uống nước lạnh, nước đá, bia lạnh…). Không nên nói to, cười hét to kéo dài làm chậm tiến trình hồi phục thanh quản, hoặc làm nặng thêm bệnh lý khản tiếng.

Không ăn quá cay, quá nóng, quá lạnh, không nên hút thuốc, người đang trong thời kỳ viêm thanh quản không nên uống rượu, bia. Có thể áp dụng một số phương pháp dân gian để hỗ trợ làm giảm triệu chứng như: Ngậm chanh muối ngày 3 lần, nước chanh đào mật ong, tỏi sống, nước giá đỗ…