Khán giả Việt thích sự tử tế nhưng lại chuộng… scandal

ANTĐ - Các chương trình truyền hình thực tế (THTT) đua nhau gây “bão” scandal một cách không có giới hạn. Một số chương trình nhiều “sạn” thì lượng người xem lại tăng vọt. Trong khi những chương trình “sạch” lại thất thế cả về truyền thông lẫn doanh thu. Tâm lý đám đông của công chúng đang “bảo trợ” cho những thành công của chương trình “nhiều sạn nhưng ít nghệ thuật” ấy.

Giả thì sống mà thật thì chết

Từ năm 2010, THTT đã trở thành “món ăn chính” trong thực đơn giải trí của khán giả. Điểm chung của nhiều chương trình THTT ở Việt Nam là được mua format nổi tiếng từ nhiều nước trên thế giới. Ở các nước, việc sử dụng “chiêu trò” trong THTT chỉ đóng vai trò “chất phụ gia”, trong khi đó ở ta lại đóng vai trò “nguyên liệu chính”. Có một thực tế rất đáng buồn là các chương trình càng nhiều “sạn” thì lại càng “hot”.

Chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” - “So you think you can dance” được Việt hóa từ một format “xịn” từng đoạt 7 giải Emmy và được sản xuất tại 24 quốc gia trên thế giới. Chương trình này luôn nằm trong Top những chương trình có rating cao nhất. Đây cũng là một trong số ít những chương trình THTT hiếm hoi của năm 2012 ở Việt Nam vắng scandal. So you think you can dance là một chương trình đề cao niềm đam mê đích thực. Thế nhưng vẫn không thể nào bì kịp với những chương trình nhiều “sạn” như The Voice và Vietnam Idol về độ “hot”.

“Cơn sốt” truyền thông và dư luận đã dậy sóng sau khi The Voice lên sóng tập đầu tiên vào năm 2011. Với format mới lạ, dàn huấn luyện viên tên tuổi cùng với sự thành công của phiên bản gốc đã thu hút một lượng người xem đáng kể. Còn nhớ việc lộ đoạn băng ghi âm tố cáo việc Phương Uyên, can thiệp vào kết quả cuộc thi và nghi án tình cảm thầy Trần Lập - trò Bảo Anh khiến The Voice trở nên “hot” hơn rất nhiều so với chương trình truyền hình khác.

Khán giả đang “tay đánh trống, miệng hô làng”

Công chúng thì luôn bày tỏ cần có những chương trình đơn thuần nghệ thuật nhưng lại luôn dành sự quan tâm của mình cho những chiêu trò phi nghệ thuật. Qua THTT, có thể thấy tâm lý đám đông của khán giả Việt rất rõ nét. 

Chúng ta cũng có nhiều chương trình “tử tế”, nhưng tại sao nó lại “chết”? Còn những chương trình mà công chúng luôn kêu gào là có quá nhiều scandal lại vẫn “sống” một cách béo tốt như vậy. Phải chăng chính khán giả và truyền thông đang tiếp tay cho những chương trình THTT được đà tạo scandal. Công chúng cả tin và dễ dãi lại chính là cơ hội cho nhà sản xuất kiếm tiền.

Cặp đôi hoàn hảo liveshow 6 đã tạo nên một luồng bão mới với những cuộc tranh luận ngoài luồng giữa giám khảo và các thí sinh. NSƯT Kim Oanh từng khiến nhiều khán giả “choáng” trước lời tuyên bố “dạy” BGK sau khi chia tay chương trình thì ở liveshow 6 này lần lượt các thí sinh Thảo Trang, Mỹ Lệ và Cát Phượng lên tiếng phản pháo lại các ý kiến chuyên môn của giám khảo trong đêm thi. Thảo Trang phủ nhận nhận xét của Lê Minh Sơn, Mỹ Lệ và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nói qua lại trên Facebook, Cát Phượng lên tiếng chê bai nhạc sĩ Thanh Bùi trên báo chí. Cũng giống như những lùm xùm trong các chương trình THTT khác, những scandal này đang kéo khán giả và truyền thông về với Cặp đôi hoàn hảo.

Rất nhiều các chương trình THTT hiện nay đang lợi dụng cái “vỏ bọc” nghệ thuật để che đi những cái “giả” bên trong. Scandal hoành hành trên sóng VTV xong nhà đài lại chẳng thể ngăn chặn được. Các công ty truyền thông bên ngoài đang nắm quyền chi phối các khung giờ đẹp của VTV. Với tình trạng phát triển như “phi mã” và khó “cầm cương” như hiện nay thì chẳng ai dám nói trước một điều gì về tương lai của các chương trình THTT ở nước ta. Chất lượng và sự “tử tế” vẫn trông chờ vào ban phát của nhà sản xuất. Và nếu vẫn còn sự dễ dãi của khán giả thì vẫn còn những chương trình như thế!