Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”

Khán giả rơi nước mắt cho những tình huống kịch nhưng rất đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Một trong những điều trăn trở mà các tác giả, các nghệ sĩ tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV-năm 2020 mong muốn thể hiện là làm sao để các vở diễn đời hơn, hấp dẫn và sinh động hơn với khán giả…

Khai thác cuộc chiến chống tội phạm ma túy

Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ IV-năm 2020 có 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Trong số này, chiếm đông đảo là các vở diễn khai thác đề tài về cuộc chiến chống tội phạm ma túy.

Đó là điểm khác biệt của kỳ liên hoan lần nay so với kỳ liên hoan đã diễn ra trước đây. Tuy nhiên, điều này đã phản ánh đúng tình hình hiện nay khi tội phạm ma túy là loại tội phạm manh động, liều lĩnh và nguy hiểm nhất. Đồng thời, số vụ ma túy bị bắt giữ và phá án thành công cũng tăng lên không ngừng. Đi cùng với chiến công của lực lượng công an trong cuộc chiến này là rất nhiều những hy sinh mất mát.

Một cảnh diễn trong vở "Bộ cảnh phục" do đạo diễn Sĩ Tiến (Nhà hát Tuổi trẻ) dàn dựng

Đó là các vở: Vẫn sống của Nhà hát CAND, Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi trẻ, Thầm lặng những chiến công của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Lằn ranh của Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, Hải âu trắng của Đoàn Kịch nói Nam Định, Tái sinh của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội...

Các vở diễn cùng tôn vinh hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trên mặt trận cam go này, nhưng mỗi vở diễn lại mang đến một “màu sắc” khác nhau. Không dừng ở việc phản ánh các vụ án ma túy nổi tiếng, nghệ thuật với góc nhìn rất riêng đã khai thác cả mảng phía sau với những điều giản dị đời thường, những hy sinh, mất mát của các cán bộ, chiến sĩ và cả thân nhân của họ.

Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt xót xa cho từng nhân vật, từng tình huống kịch, khi những vở kịch đã đưa vào các chi tiết, rất kịch nhưng cũng rất đời, trong số đó có cả những nhà báo chuyên theo dõi sân khấu, vốn là những khán giả có phần khó tính.

BTC trao giải cho các nghệ sĩ đoạt HCV

Nhà báo Ngô Bá Lục (Tạp chí Sân khấu) chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới được xem một vở kịch khiến mình nghẹn ngào, đó là Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhìn tổng thể, một vở diễn về công an nhưng lại mang nhiều câu chuyện xã hội, kịch bản rất hay qua bàn tay đạo diễn tài ba cùng sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã khiến vở kịch lôi cuốn từ đầu đến cuối, không có cảnh thừa, không có giây “chết”, như một dòng sông êm đềm ban đầu rồi nhanh dần và khi cuối là ào ào thác lũ, đẩy cảm xúc của khán giả lên đến nghẹt thở”.

"Có bột mới gột nên hồ"

Đặc biệt, trong 33 vở diễn tham gia liên hoan thì có tới 15 vở là các loại hình chèo, cải lương, kịch hát dân tộc cho thấy sức hấp dẫn của mảng đề tài này đối với sân khấu truyền thống, mặc dù đây không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Các đạo diễn đã tận dụng thế mạnh về chất trữ tình, tự sự để dàn dựng những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, dũng cảm, những mất mát của người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh phòng chống tội ác, những câu chuyện của nội tâm, của sự đấu tranh giằng xé giữa tình yêu, tình đồng đội, tình mẫu tử… Có thể ghi nhận ở một số vở như Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Vòng xoáy của Đoàn ca kịch Quảng Nam.

Một cảnh trong vở diễn "Tái sinh" của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội

Tuy nhiên, 33 vở diễn có cùng một chủ đề là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị nghệ thuật trong liên hoan lần này. Kịch bản chất lượng, đáp ứng yêu cầu đã trở nên vô cùng quý hiếm, khó khăn. Chính vì vậy, liên hoan đã xuất hiện hiện tượng 1 kịch bản có tới 2,3 đơn vị ở các loại hình khác nhau cùng dàn dựng. Có thể kể đến kịch bản “Vụ án Am Bụt Mọc” của tác giả Lê Minh Nguyệt. Điều may mắn là, do khác nhau về loại hình, khác nhau về đạo diễn với góc nhìn và tay nghề dàn dựng khác nhau đã tránh được sự trùng lặp trong thể hiện. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng cho thấy mức độ khan hiếm kịch hay về lực lượng CAND. Và nhìn rộng ra, việc thiếu kịch bản hay, kịch bản yếu không chỉ riêng với đề tài công an mà là tình trạng chung của hoạt động sân khấu hôm nay.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan nhận xét, một số vở diễn có nội dung về công an, có công an, thậm chí có nhiều chiến sĩ công an nhưng hình tượng người chiến sĩ công an lại không có hoặc có nhưng không rõ nét. Đây là vấn đề cần được lưu ý để chuẩn bị nguồn kịch bản khi vận động sáng tác hoặc mở trại sáng tác sau này vì “có bột mới gột nên hồ”. Điều đó có nghĩa, chất lượng của một kỳ liên hoan sân khấu phải bắt đầu từ chất lượng kịch bản.

Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, liên hoan cũng giúp cho các nghệ sĩ lâu năm khẳng định mình và là nơi phát hiện một số gương mặt đầy triển vọng. Tuy nhiên, vì không có nhiều kịch bản hay và đất diễn nên tình trạng, đạo diễn cố tạo ra lớp diễn cho diễn viên nhưng khó hoàn chỉnh vì không gắn kết được với nội dung và tính toàn vẹn của vở diễn. Do vậy, hiếm có diễn viên nào bùng nổ trên sàn diễn.

Dù chất lượng nghệ thuật các vở diễn tham gia Liên hoan chưa thực sự đồng đều, một số vở diễn còn có những hạn chế nhất định nhưng mỗi tác phẩm dự thi đều thể hiện tình yêu với nghề, sự quý trọng công chúng, khán giả. Trong tác phẩm có cái được nhiều, được ít, có cái chưa được nhưng tất cả đều cố gắng cho một nền sân khấu tương lai.