Khám sức khỏe lái xe: Còn kẽ hở để lọt người nghiện ma túy

ANTĐ - Lần đầu tiên ngành GTVT thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe nhằm sớm loại bỏ lái xe không đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là phát hiện sử dụng chất ma túy, góp phần giảm TNGT. Song, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động khám sức khoẻ cho lái xe khó phản ánh đúng thực trạng do thiếu giám sát.

Lái xe tải, lái xe đường dài được cho là có tỷ lệ nghiện ma túy cao

Gần 400 lái xe nghiện ma túy

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, qua công tác khám sức khỏe, quản lý sức khỏe đối với lái xe vận tải ôtô, đến nay cả nước đã khám sức khỏe cho 127.058 lái xe, phát hiện 392 trường hợp dương tính với ma túy và 1.387 trường hợp không đủ sức khỏe để lái xe kinh doanh vận tải do những nguyên nhân khác. Đã có 59 tỉnh, thành phố triển khai khám sức khỏe cho lái xe và có báo cáo kết quả, còn 4 tỉnh chưa có kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo theo quy định là: Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Sóc Trăng.  Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, một số địa phương để cho các đơn vị vận tải tự tổ chức khám sức khỏe cho lái xe nhưng không tổ chức giám sát nên kết quả thực hiện chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình sức khỏe lái xe tại địa phương.

Ông Lê Trọng Thành, Phó Giám đốc  Sở GTVT Ninh Bình cho hay, tỉnh này đã tổ chức khám sức khỏe lái xe cho 29/29 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn với  1.051 lái xe. Kết quả chỉ phát hiện 4 trường hợp không đạt tiêu chuẩn sức khỏe lái xe (trong đó có 2 trường hợp sử dụng ma túy). “Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải thanh lý hợp đồng lao động đối với 4 trường hợp không đủ sức khoẻ lái xe và 23 trường hợp cố tình không khám sức khoẻ”, ông Lê Trọng Thành cho biết. 

Dù còn 4 tỉnh chưa thực hiện khám sức khỏe lái xe nhưng kết quả như trên liệu đã phản ánh đúng thực trạng lái xe nghiện ma túy hiện nay? Vào tháng 2 vừa qua, Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện khám sức khỏe lái xe, phát hiện 217 lái xe không đủ sức khỏe, trong đó phần lớn là dương tính với ma túy. Ông Lê Trọng Thành nhận định, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động khám sức khoẻ cho lái xe của đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải bố trí thời gian để các lái xe tham gia kiểm tra sức khoẻ. Tuy nhiên, kết quả sẽ khó chính xác, hiệu quả không cao, đặc biệt là việc kiểm tra, xét nghiệm ma tuý vì đã có báo trước về thời gian. Theo Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình, trên thực tế, tại một số đơn vị vận tải có lái xe bị nghi ngờ sử dụng ma tuý nhưng kết quả kiểm tra lại âm tính, đơn vị không có lý do để thanh lý hợp đồng. 

Bắt buộc lái xe khám sức khỏe là nhằm đảm bảo an toàn giao thông

Kết quả chưa phản ánh đúng thực tế

“Tại các cơ sở y tế của tỉnh Ninh Bình hiện chỉ sử dụng loại que thử 2 vạch để kiểm tra sức khỏe lái xe. Song, loại que này chỉ xét nghiệm được moocphin và heroin. Trong khi đó, ma túy có nhiều loại như ma tuý đá, thuốc lắc và các loại ma tuý tổng hợp khác thì loại que này vô tác dụng. Do đó, kết quả kiểm tra sức khoẻ tại các đơn vị vận tải phát hiện rất ít các đối tượng nghiện ma tuý” - ông Lê Trọng Thành nhận định.

Dẫn chứng, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Ninh Bình thực hiện việc kiểm tra đột xuất và sử dụng que thử 4 vạch (loại que thử phát hiện được hầu hết các loại ma tuý) đã phát hiện 16/363 trường hợp dương tính với ma tuý (tương đương 4,4%). Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ điều khiển phương tiện và tạm giữ bằng lái của các lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính với ma tuý để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng từng nhận định, việc kiểm tra chất gây nghiện rất khó vì sau 24h sẽ tự phân hủy. Do vậy, muốn kết quả chính xác phải kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, que thử để kiểm tra các loại ma túy cũng khác nhau, chênh nhau khá lớn về chi phí. Tuy vậy, cách làm như thế nào, sử dụng loại que thử nào thì Bộ GTVT không quy định rõ. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng, bắt buộc khám sức khỏe toàn đội ngũ lái xe là một động thái tích cực, nhằm đảm bảo ATGT. Tuy vậy, việc giao cho các đơn vị vận tải tự tổ chức khám cho chính lái xe của mình thì kết quả sẽ khó phản ánh đúng thực tế. Đây là chưa nói đến, khám ở trung tâm có đủ điều kiện, đúng chức năng hay không cũng là vấn đề. Theo ông Bùi Danh Liên, tỷ lệ lái xe nghiện ma túy tập trung ở nhóm xe tải, xe container và xe chạy đường dài. 

Một điểm khó nữa là chưa có quy định xử lý lái xe bị phát hiện dương tính với ma túy trong phòng khám, bệnh viện. Nghị định 171/2013/NĐ của Chính phủ chỉ quy định tước bằng lái 24 tháng nếu phát hiện lái xe dương tính với ma túy khi đang lưu thông. Gỡ khó cho trường hợp này, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT ra quyết định thu hồi bằng lái xe 24 tháng đối với cả những lái xe khi khám sức khỏe phát hiện dương tính với ma túy. Những trường hợp này chỉ được trả lại bằng sau khi đã chấp hành đủ thời gian xử phạt, đã kiểm tra đạt yêu cầu về sức khỏe và có kết quả âm tính với chất ma túy tại chính cơ sở đã khám…