Tiết mục song thương thích hầu do võ sinh Lê Thành Đạt biểu diễn |
Truyền thống gia đình
Lâm Sơn Động chính thức được thành lập năm 1990, sau khi được sự đồng ý của Sở Thể dục - Thể thao Hà Tây cũ. Người sáng lập môn phái Lâm Sơn Động là võ sư Lương Ngọc Huỳnh, hiện đang là Chuyên viên cao cấp về Y học và Võ thuật Phương Đông, Viện sỹ Viện Hàn Lâm khoa học tại Nga. Để tiếp tục duy trì và phát triển môn phái võ lâm truyền thống gia đình để lại, em ông, anh Nguyễn Ngọc Hải làm Quyền trưởng môn phái Lâm Sơn Động, và hiện cũng là Phó Chủ tịch Hội Võ thuật Hà Nội, tiếp tục phát huy sự nghiệp tại Việt Nam. Võ đường được thành lập tại đền Miếu Môn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật ở Quốc Oai (Hà Tây cũ), Võ sư Lương Ngọc Huỳnh, được bà nội dạy võ công từ khi còn nhỏ, mới 6 tuổi đã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Năm 1982, sau khi bà nội mất, ông tiến hành truyền dạy lại cho em trai Ngọc Hải. Tại thời điểm đó, tiếng tăm của võ sư Lương Ngọc Huỳnh đã nổi như cồn, có nhiều môn sinh theo học.
Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Ngọc Huỳnh tiếp tục học hỏi võ thuật để nâng cao kiến thức, ông bắt đầu nghiên cứu y học, nhằm phối kết hợp để chữa bệnh bằng khí công, ông đã thành công và trở thành chuyên viên cao cấp về y học tại Nga. Hiện tại ở thành phố Maxcơva, ngoài việc dạy võ cho các môn sinh, ông còn mở 3 phòng khám chữa bệnh bằng phương pháp khí công kết hợp với y học hiện đại, ông đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người.
Học Kungfu để có sức khoẻ và bản lĩnh
Võ sinh Hà Đăng Tuấn chia sẻ: “Tôi theo học Kungfu từ khi còn nhỏ, cho đến nay đã được 10 năm. Không thể coi đây là một nghề để kiếm tiền, hiện nay nghề chính của tôi là lái xe, tuy nhiên tôi vẫn có gắng sắp xếp thời gian theo học ở võ đường, bởi nó không chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe tốt hơn mà còn rèn cho tôi có được một bản lĩnh mạnh mẽ trong cuộc sống và trong công việc”.
Để trình diễn Kungfu siêu đẳng, đòi hỏi người học phải có trình độ cao, trải qua nhiều năm khổ luyện để có đầy đủ về khí, thần khí nội sinh và thông kinh hoạt lạc, để tạo được thần công lực. Hai anh Huỳnh và Hải đã kiên trì khổ luyện hơn suốt 20 năm qua để nắm vững hệ thống các bài quyền, sử dụng thành thạo 18 loại binh khí cùng phương pháp luyện khí công độc đáo dựa trên nguyên lý âm dương, nhờ vậy mà hai anh em đã biểu diễn thành công nhiều tiết mục độc đáo, gây tiếng vang lớn bởi những kỷ lục có một không hai ở Việt Nam. Đến nay môn phái đã phát triển sang các nước như Nga, Pháp, Mỹ… |
Em Nguyễn Đình Dậu, học sinh trường Chương Mỹ B nói: “Em mới theo học được hai năm, bạn bè em theo học võ đường nhiều lắm. Học Kungfu không chỉ rèn luyện sức khỏe, chống lại bệnh tật mà còn rèn luyện đạo đức cho con người”.
Lý giải một cách khoa học, những người khổ luyện Kungfu có khả năng tự sinh ra morphine nội sinh nhiều lần hơn người thường. Morphine nội sinh này khi kết hợp với chất receptor có trong não bộ tạo thành hợp chất mới receptor opiit có tác dụng làm giảm đau.
Chất này không gây nghiện và tự hóa giải sau khi kết thúc tập luyện hoặc biểu diễn. Vì vậy mà các võ sinh có thể chịu đựng mọi va chạm mạnh mà không cảm thấy đau đớn.
Bên cạnh đó, nội công trong cơ thể con người khi được vận công và điều tiết sẽ giúp võ sinh đóng đinh vào người, cắm dao vào cổ cũng không bị tổn thương. Võ sư Lương Ngọc Huỳnh là người duy nhất ở Việt Nam và cũng duy nhất trên thế giới có thể vận khí công để điều chỉnh huyết áp, làm tim ngừng đập kéo dài nhiều ngày mà không ảnh hưởng gì tới tính mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Người học Kungfu cần phải có đủ 5 tiêu chí đó là “chí, lực, năng, tâm, thiện”. Tâm con người không tốt thì học không bao giờ đem lại kết quả tốt. Luyện khí công giúp con người chữa khỏi những căn bệnh thông thường như cảm cúm, đau lưng, viêm khớp… với người già có thể chống lão hóa khớp xương sớm”.