Khám phá tranh dân gian Kim Hoàng tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm

ANTD.VN -Từ ngày 15-6 đến 17-6-2018, Bảo tàng gốm sứ Việt Nam, làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng phối hợp cùng các đơn vị tổ chức sự kiện “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

Khám phá tranh dân gian Kim Hoàng tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm ảnh 1

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19

Cụ thể, sự kiện được khai mạc vào lúc 16h30, ngày 15-6-2018, tại số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến với chương trình, khán giả được tham quan một triển lãm các tác phẩm tranh dân gian Kim Hoàng đã được phục dựng theo mẫu cổ và xem các nghệ nhân dân gian làng Kim Hoàng trình diễn kỹ thuật in và vẽ tranh.

Trong khuôn khổ triển lãm còn trình chiếu các nội dung giới thiệu về lịch sử, nghệ thuật, kỹ thuật của dòng tranh dân gian độc đáo này: các bản khắc, bản ảnh, tranh dân gian Kim Hoàng. Cùng với đó, một cuộc thi mang tên “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng” sẽ được phát động.

Đặc biệt, sự kiện “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” là một chuỗi các hoạt động trải nghiệm dành cho thanh thiếu niên, như in tranh, trải nghiệm vẽ tranh cùng với nghệ nhân Kim Hoàng và các giảng viên, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động tô tranh dân gian Kim Hoàng, vẽ trên quạt giấy, vẽ trên túi giấy, vẽ mặt nạ truyền thống... hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách. Đáng chú ý, khi tham gia du khách chỉ phải trả 50.000 đồng tiền nguyên vật liệu.

Kim Hoàng là tên thường gọi của dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Làng Kim Hoàng xưa vốn là sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Vào năm Chính Hòa thứ 22 (1701), hai làng này đã dựng đình chung và lấy mốc thời gian này làm sự khởi đầu của nghề in tranh.

Làng nghề này đến đầu thế kỷ XX gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Năm 2015 làng tranh Kim Hoàng bắt đầu được phục dựng nhờ sự nỗ lực của một nhóm các họa sĩ và các nghệ nhân xưa. Có thể nói đây là một trong những dòng tranh chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa của người Việt từ kỹ thuật đến nghệ thuật.