Khám phá núi Cấm lừng danh đất An Giang

ANTD.VN - Lúc thuyền ra khỏi rừng tràm Trà Sư, người lái “xe ôm” tiếp tục rong ruổi cùng tôi đến núi Cấm.  1 trong 7 ngọn núi lừng danh của vùng An Giang đang thấp thoáng phía cuối con đường. Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên. 

Có vô số truyền thuyết về cái tên núi Cấm, trong ấy có huyền thoại về Nguyễn Ánh, cái thời còn trốn chui trốn lủi để tránh tai mắt truy nã của nhà Tây Sơn mới trú tạm ở núi này. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Xứ mình có 2 ông vua mà đi đâu tôi cũng thấy dấu vết, một là Bảo Đại - cho xây dinh thự nghỉ mát ở khắp mọi nơi, mỗi thành phố một lâu đài để tiện đâu ở đấy. Hai là Nguyễn Ánh - trái ngược thay lại toàn di tích “ẩn nấp”. Từ Phú Quốc cho đến miệt An Giang, chốn nào hoang vu hiểm trở là nơi ấy có dấu chân Nguyễn Ánh. 

“Lang thang” giữa lưng chừng trời

Người lái “xe ôm” cứ thuyết phục tôi đừng có đi cáp treo mà để bạn ông là “thổ dân” chở lên núi thì sẽ rẻ hơn. Mới đầu tôi ừ cái rụp, sau mới nghĩ ra việc ấy chắc có lợi cho ông nên từ chối. Ông bảo từ chân núi Cấm là “xe ôm” ngoài sẽ bị cấm nên chỉ có lái xe được cấp phép hành nghề bên trong khu vực Lâm Viên mới được phép chở khách, và tôi đi “xe ôm” lên đỉnh núi thì sẽ rẻ hơn ngồi cáp treo độ 50.000 đồng. Nhẽ là ông muốn kiếm cho bạn 1 suất “xe ôm”. Tôi bảo ông đừng có khuyên gàn dở, người ta nghĩ ra cáp treo là để thu ngắn thời gian và quãng đường theo lối “chim bay”, giờ lại tự đi vòng vèo đường núi như thuở Nguyễn Ánh là sao. Ông bảo ừ thì thôi ông đợi dưới chân núi. Cáp treo hôm ấy chẳng có khách, mỗi mình tôi “lang thang” giữa lưng chừng trời. Bình sinh lần nào tôi đi cáp treo cũng thấy tấp nập người ngồi túm tụm trong các khoang cáp ngược chiều. Chưa kể khoang của mình cũng thêm dăm bảy người khác trò chuyện rôm rả. Bận này các khoang cáp ngược xuôi trên sợi dây khổng lồ đều trống không. 

Tôi đang “bay” qua vùng núi Cấm, đàng xa kia là đất của người Campuchia, bên dưới um tùm lá đang bao phủ nơi thâm sơn cùng cốc. Ngọn núi này cũng có một cái tên Khơ me là Pnom Ta Piel. Cảm giác trên đầu là trời, dưới là ta, ở giữa và xung quanh không còn ai khác mới tuyệt mỹ làm sao, nó khiến con người ta bỗng thấy mình cao quý hẳn lên. Tôi lim dim mắt thêm chục phút thì khoang cáp đã hạ cái uỳnh xuống mặt đất. Ra khỏi ga và đi bộ mấy bậc thang xuống dưới đã thấy cả chục quán bánh xèo. 

Theo lời dặn người “xe ôm”: “Chị lên đó nhớ ăn bánh xèo, ngon lắm!”. Tôi liền gọi một suất, bởi cũng đã một rưỡi chiều rồi. Bánh xèo thì từ miền Trung vô miệt vườn, nơi nào cũng có, ăn cũng… na ná như nhau. Duy có bánh xèo núi Cấm thì độc nhất vô nhị, bởi thay vì ăn với các loại rau sống như thông thường thì đây người ta ăn bánh xèo với… rau rừng. Giờ cũng đã muộn, và hôm nay núi Cấm vắng khách nên cả dãy có mỗi tôi ngồi ăn. Ban nãy đi đường còn hớn hở trước cảnh quan mới lạ của vùng Thất Sơn nên bụng tôi bị bỏ quên từ bấy, giờ chúng mới dằn dỗi mà biểu tình. Phần vì đói quá, phần lo ngại giờ đóng cáp là 4 rưỡi chiều, vậy chỉ còn có 3 tiếng để ăn và đi hết một vòng đỉnh núi nên tôi giục ời ời, mặc cho cô hàng cứ “Chờ em xíu, chờ em xíu. Sắp xong đây chị ơi”. Giục là thế mà tới mươi phút sau món bánh trứ danh mới xuất hiện. Vỏ bánh giòn tan vàng ruộm, ôm lấy mớ nhân nóng hổi. 

Cô gái tươi tắn mang ra cho tôi thêm đĩa rau rừng khổng lồ. Mớ rau xùm xòe dễ đong được một rổ to. Toàn rau lạ. Những là càng cua, đinh lăng, đọt vông, lá bứa, lá sung ngành ngạnh, cát lồi, kim thất, mã đề, cải đất, hoàn ngọc, đọt sộp… Toàn vị thuốc nam, ăn hết rổ rau này chắc bệnh gì cũng tự khỏi. Ăn xong, bỗng dưng nhìn gió núi hiu hiu từ hồ Thủy Liêm mà mắt díp cả lại. Chả nhẽ ngả lưng trên cái võng mắc gốc cây già kia mà quên cả lối về. 

Khám phá núi Cấm lừng danh đất An Giang ảnh 2Khu du lịch cáp treo núi Cấm

Khám phá núi Cấm lừng danh đất An Giang ảnh 3Núi Cấm có đến cả trăm ngôi chùa, tượng Phật và các kiểu di tích tôn giáo, trong đó tiêu điểm là chùa Vạn Linh

Choáng ngợp trước sự thiêng liêng tráng lệ của chùa Vạn Linh

Núi Cấm có đến cả trăm ngôi chùa, tượng Phật và các kiểu di tích tôn giáo. Chẳng có ai mà đi hết nổi. Tôi đi ngược chiều kim đồng hồ đúng một vòng hồ, tới đâu bị thợ ảnh dạo mời chụp đến đấy. Hai mươi ngàn một tấm lấy ngay. Có cô gái đi theo mời riết. Tôi đồng ý chụp hai tấm, rồi lẽo đẽo đi theo cô vào một ngôi nhà tạm để chờ người làm “photoshop” đưa chữ “Kỷ niệm Lâm Viên Núi Cấm 2017” màu đỏ rợ vào mép ảnh. Cả cái viền khung cũng được họ trang trí đường diềm hai màu xanh đỏ. Trong lúc chờ đợi, cô gái chụp ảnh hỏi tôi:

- Chị người đâu ta?

- Chị ở Hà Nội.

- Chị vào đây có một mình thôi hả, không đi cùng ai hết hả?

- Ừ, chị đi có một mình.

Nhẽ hình dung ra quãng đường vi vu xa lắc từ Hà Nội vào TP.HCM, rồi từ TP.HCM lặn lội về Châu Đốc, rồi Châu Đốc lại lọ mọ lên tận núi Cấm, cô gái nhiếp ảnh chưa bao giờ thấy cái gì xa xôi hơn vậy nên khuôn mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Lát sau tôi nghe cô ta thì thầm với cô gái còn lại vẫn đang hý hoáy đưa nốt đường diềm vào ảnh và kích màu cho đôi môi tôi đỏ choét lên:

- Bả ghê á, từ Hà Nội vô đây một mình á. Tui thì tui chịu chết, hổng dám vậy đâu.

Tôi đứng ra hàng hiên cho đỡ phải nghe trộm, tự cười toét miệng. Muốn nói vô trỏng trêu cô gái: “Thế thì tui mới là tui, cô mới là cô. Tui chả muốn hết đời cứ đi vòng vòng quanh hồ Thủy Liêm đâu á. Một vòng đủ rùi à nha”. Mỗi người có một hạnh phúc riêng của họ. Có người bình yên vì ngày ngày rảo chục vòng hồ, và niềm vui là gặp được một khách điệu đàng đặt chụp tới mươi tấm ảnh.

Cũng có người mong đi đủ vài vòng quanh thế giới rộng lớn, và khoái lạc đỉnh cao là khi được đứng trên một đỉnh núi mây bay gió thổi không người qua lại ở một lục địa cách nửa vòng trái đất, hoặc cảm nhận đám cát mịn màng của sa mạc đang từ từ xâm lấn vào những nếp váy đã chóng bạc màu. Tôi nhận hai tấm ảnh ép plastic, khen đẹp rồi cảm ơn và chào tạm biệt hai cô gái để vội vã đi về phía chùa Vạn Linh, tiêu điểm của núi Cấm.

Có những công trình tôn giáo khiến người ta phải quỳ sụp xuống vì sự thiêng liêng tráng lệ, chùa Vạn Linh đúng là một nơi như vậy. Mái vòm chánh điện cao vòi vọi tới vài chục mét, trần sơn phủ mây trời xanh ngắt, hơn 30 ô cửa sổ lớn cao tận “trời” thu gọn ánh sáng chan hòa tới từng ô gạch, và cuối cùng là tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới gốc cây bồ đề cũng khổng lồ. Kiến trúc Á - Âu pha trộn trong không gian rộng lớn ấy khiến tôi bị ngợp, còn hơn cả đứng trong giáo đường La Mã. Đây có nhẽ là gian chánh điện hoành tráng nhất Việt Nam. 

Tôi ngồi nép mình nhỏ thó bên một bậu cửa mà ngó vào trong. Gió hiu hiu thổi luồn qua khung cửa lộng lẫy. Nhưng muốn ngồi đây mãi mà an yên thế này, nếu như không bị thúc bách bởi nỗi sợ cáp treo giật cầu dao điện cho hết đường xuống núi. Tôi đi khỏi Vạn Linh, vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại. Không thể tin nổi nơi này từng là một am thờ bằng tre lá từ đầu thế kỷ XX.