Khám phá những mặt nạ ma thuật của người Cơ Tu

ANTĐ - Khi đến các thôn bản của người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam chúng ta thường thấy có không ít những mặt nạ ma thuật được treo ở Gươl làng và đặt ở nhà mồ. Những mặt nạ ma thuật (Cơb hây/ká bel) bằng gỗ này thường thể hiện những bộ mặt nhăn nhó kỳ lạ…

Theo phong tục cổ truyền của người Cơ Tu xưa, người làm mặt nạ ma thuật hoặc tượng thiêng phải là thợ điêu khắc vào loại giỏi nhất làng. Khi làm mặt nạ ma thuật, nghệ nhân thường làm một mình, ở những nơi kín đáo nằm sâu trong rừng, không một ai đến xem và bàn luận gì. Tài năng của các nghệ nhân càng được đánh giá cao hơn khi điêu khắc được các mặt na ma thuật mà người ta nhìn vào đã thấy rùng rợn, sợ hãi. Nhưng rất có thể, phong tục trên còn có liên quan đến tính thiêng liêng của các mặt nạ ma thuật này.

Tại Khu nhà làng truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang (thị trấn Agrồng, trung tâm hành chính huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), hình ảnh đầu tiên ta bắt gặp ở lối vào đó là cặp mặt nạ ma thuật được bố trí ngay ở mặt trước của nhà mồ. Hai mặt nạ ma thuật khác ở 2 bên, vị thần bảo vệ cầm cây dao dài được đặt ở giữa để bảo vệ nhà mồ. Trong quan niệm của người Cơ Tu, nhà mồ rất quan trọng. Người già Cơ Tu thường mong muốn rằng sau khi họ chết đi, họ được con cháu chôn cất trong một nhà mồ thật đẹp, đúng quy cách truyền thống. Ở đó, cùng với các thành phần khác, mặt nạ ma thuật là một trong những vật được bố trí để bảo vệ linh hồn của người đã khuất. Nhờ có mặt nạ ma thuật mà hồn người chết trong nhà mồ không bị làm khổ, không bị ma xấu quấy nhiễu. Mỗi nhà mồ, người Cơ Tu thường bố trí ít nhất là 2 mặt nạ ma thuật, nếu điêu khắc tốt thì cột nào cũng có.

Tại nhà mồ Khu nhà làng truyền thống huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam ở lối vào là cặp mặt nạ ma thuật được bố trí ngay ở mặt trước của nhà mồ.
Tại nhà mồ Khu nhà làng truyền thống huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam ở lối vào là cặp mặt nạ ma thuật được bố trí ngay ở mặt trước của nhà mồ.

Cùng với nhà mồ, mặt nạ ma thuật còn được người Cơ Tu bố trí ở các Gươl. Trong quan niệm của đồng bào, Gươl là sức mạnh, là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng nên mặt nạ ma thuật là vật bảo vệ không thể thiếu ở mỗi Gươl. Càng nhiều mặt nạ ma thuật ở nhà Gươl và ở những nơi thiêng liêng như vậy càng tăng thêm sức mạnh xua đuổi tà ma bên ngoài, ngăn không cho ma xấu quấy nhiễu đến đời sống dân làng. Nhờ có mặt nạ ma thuật ở Gươl mà dân làng yên tâm, không còn lo sợ.

Dù mặt nạ ma thuật được làm bằng gỗ nhưng nó rất có sức sống. Dù thấy nó bất động nhưng người Cơ Tu vẫn xem mặt nạ ma có linh hồn riêng. Nó vẫn có thể dò xét, xua đuổi ma xấu, biết ai trong làng có “cái bụng xấu”, cái tâm ý không trong sáng. Nhìn vào mặt nạ ma thuật ở Gươl, nhà mồ, kẻ xấu phải sợ hãi, lo lắng.

Không chỉ là vật bảo vệ, xua đuổi ma xấu cho cộng đồng làng của người Cơ Tu, mặt nạ ma thuật còn làm cho các Gươl, nhà mồ của người Cơ Tu có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu trí tưởng tượng phong phú, đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl và nhà mồ của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam.