Khám phá loại xe tăng hạng trung ZTZ-59 của Trung Quốc (2)

ANTĐ -  Thế hệ ZTZ-59 thứ 2 của Trung Quốc được tính từ 4 phiên bản cải tiến theo công nghệ phương Tây và Israel, đó cũng là các loại xe tăng hạng trung hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay là 59D/D1/P/125.

Thế hệ ZTZ-59 thứ 2: bước cải thiện về chất

Sự ra đời của ZTZ-59D/D1 là một con đường dài. Vào đầu thập niên 90, xu hướng phát triển trang bị trên thế giới là chuyển hướng từ cơ giới hóa sang thông tin hóa, lí luận tác chiến và cơ cấu tổ chức quân đội cũng có sự thay đổi, Bộ Quốc phòng Trung Quốc quyết định triển khai kế hoạch nghiên cứu cải tiến, nâng cấp số lượng lớn xe tăng ZTZ-59 đã già cũ, lạc hậu.

Đến tháng 4/1995, tổng bộ trang bị Trung Quốc chính thức quyết định phê duyệt thiết kế xe tăng hạng trung ZTZ-59D1. Sau đó không hiểu vì lí do gì họ lại quyết định triển khai chế tạo ZTZ-59D trước, đến tháng 11/1995 phê duyệt kiểu dáng thiết kế của ZTZ-59D và sang năm 1996, ZTZ-59D chính thức được đưa vào thay thế cho các loại xe tăng đời cũ.

ZTZ-59D (còn được gọi là WZ−120C) được bọc bằng vỏ thép phản ứng nổ (ERA), pháo xe tăng kiểu mới nhất (nòng rãnh xoắn 105mm kiểu 83−I hay còn gọi là 83−A). Loại pháo này cũng được dùng trong xe tăng chủ chiến đời 88. 59D sử dụng loại đạn đạn xuyên xé vỏ thép có cánh ở đuôi, có thể xuyên sâu đến 460 − 510mm, nếu sử dụng đạn Urani làm nghèo có thể xuyên sâu đến 600mm, tiệm cận so với xe tăng T−90 của Nga hoặc sánh ngang xe tăng đời 90 của Nhật Bản. Nó còn được trang bị kính quan sát đêm kiểu bị động và hệ thống điều khiển hỏa lực thế hệ mới. Động cơ diezen 12150L cũng được thay thế bằng động cơ dizen 12150L7 580 mã lực.

ZTZ−59IIA với pháo nòng rãnh xoắn 105mm, được cho là sánh ngang loại M-1984 của Mỹ

ZTZ-59D có 1 phiên bản là ZTZ-59D1. Loại xe tăng này có thể phóng loại pháo hỏa tiễn 105mm, tầm xa tối đa là 5,2km, độ xuyên 700mm, loại hỏa tiễn này còn có thể dùng để tiến công máy bay trực thăng bay tầm thấp. Trong mỗi lần thử nghiệm phóng, loại tên lửa này đều bắn hạ được 1 mô hình máy bay không người lái ở cự li ngoài 4,8km. Xạ kích có độ chính xác cao do sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kiểu quang điểm gắn với thiết bị đo cự li bằng lade và điều khiển bằng máy tính. Một số xe còn được lắp đặt hệ thống quan sát đêm bằng hình ảnh nhiệt. Vũ khí bổ trợ bao gồm 1 khẩu súng máy 7,62mm và 1 khẩu súng máy phòng không loại 12,7mm, cỡ nòng 50 bố trí trên tháp pháo chỉ huy.

Đầu năm 2004, Pakisstan chính thức tuyên bố đưa loại xe tăng T-59A1 Zarar vào phục vụ. Đây là loại xe tăng được cho là tương đương các loại xe tăng tiên tiến nhất trên thế giới lúc đó. Nó sử dụng loại pháo nòng trơn 125mm kiểu mới nhất, vỏ thép bọc giáp phản ứng nổ, tăng cường hỏa lực mạnh, công suất động cơ lớn, có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm trong mọi địa hình, mọi điều kiện thời tiết.

Theo xu hướng chung, tại triển lãm quốc phòng quốc tế 2007 tại Abu Dhabi - các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (IDEX2007), Trung Quốc đã trình làng 2 phiên bản cải tiến của ZTZ-59 là T-59P và T-59-125.

T-59P là phiên bản xuất khẩu của ZTZ-59D, tham số kỹ thuật và tính năng cơ bản giống như loại 59D1. 59P sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Light Spot Injection, vận tốc đạt tới 55km/h, sử dụng pháo nòng rãnh xoắn 105mm. Về lí thuyết sử dụng loại pháo này có thể bắn cả loại pháo hỏa tiễn 105mm điều khiển bằng Laser kiểu GP2 do Trung Quốc sản xuất. Đây cũng là loại pháo hỏa tiễn dùng cho loại xe tăng ZTZ-59D1.

Xe tăng  ZTZ-59D ( WZ−120C) được coi
là bắt đầu thế hệ xe tăng hạng trung ZTZ-59 thứ 2 của Trung Quốc

Loại T-59-125 do tập đoàn công nghiệp Phương Bắc (NORINCO) của Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo để thay thế các loại xe tăng T-54/55 và 59 thế hệ cũ. Nó sử dụng pháo nòng trơn loại 125mm giống loại T-59A1 Zarar của Pakistan, là loại pháo được cải tiến ưu việt nhất của loại xe tăng đời 88C, cả hệ thống hỏa lực và hệ thống kính ngắm cũng không có gì khác biệt. Đặc điểm nổi bật nhất của nó so với các phiên bản trước là hệ thống động lực có thể được lắp đặt nhiều loại động cơ, từ loại 540hp cho đến 730hp hoặc 800 hp.

Hiện nay, cả 2 dòng xe tăng hạng trung là T-59 và T-54/55 vẫn còn nằm trong biên chế lực lượng lục quân của rất nhiều nước và hiện vẫn đang tiếp tục được cải tiến, nâng cấp. Cơ bản các dòng xe tăng này có tính năng giống nhau nên các giải pháp nâng cấp cũng không cơ bản là giống nhau. Xem xét các thế hệ xe tăng T-59 mới cải tiến của Trung Quốc và loại xe tăng T-54 mới cải tiến của Việt Nam cũng tương tự như nhau. Điểm khác biệt lớn nhất là xe tăng T-54 M3 Việt Nam được lắp đặt thêm 1 khẩu cối 60mm theo chuẩn Israel.

Hiện nay, theo số liệu năm 2011 của trang mạng “zhige.net”, có khoảng gần 9000 chiếc xe tăng các loại thuộc thế hệ T-59 đang còn trong biên chế của 16 quốc gia. Bao gồm: Trung Quốc: hơn 5500 chiếc, Apghanistan 100 chiếc, Albania 750 chiếc, Bangladesh 80 chiếc, Cambodia 200 chiếc, Cộng hòa Congo 20 chiếc, Cộng hòa dân chủ Congo 16 chiếc, Iran 220 chiếc, Triều Tiên 220 chiếc, Pakistan 1200 chiếc, Sudan 10 chiếc, Tanzania 30 chiếc, Thái Lan 24 chiếc, Việt Nam 350 chiếc, Zambia 20 chiếc và Zibabwe 22 chiếc.