Khám phá cung đường hình con sóng

ANTĐ - Nếu ai muốn khám phá vẻ đẹp của vùng duyên hải Bắc Bộ, có lẽ sẽ chẳng có lựa chọn nào tốt hơn việc bắt đầu hành trình ở một cửa sông. Cửa Ba Lạt, cửa sông chính đã làm nên sự màu mỡ của một vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu nơi hạ nguồn của sông Hồng, cũng là nơi đánh dấu điểm bắt đầu của cung đường đê biển dài 72km thuộc tỉnh Nam Định.

Khám phá cung đường hình con sóng ảnh 1Những ai yêu khám phá sẽ chẳng hoài công khi bước trên cung đường hình con sóng

Từ cửa Ba Lạt (sông Hồng) xuôi theo con đường đê biển về phía nam, khám phá hết sự đa dạng phong phú sinh học của Khu Ramsa Xuân Thủy rồi đi tiếp qua cửa Hà Lạn (sông Cò), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy) cũng chính là điểm cuối cùng của dải đất duyên hải trù phú thuộc tỉnh Nam Định. Dù là du khách hay nghệ sỹ, dù là nhiếp ảnh gia hay đơn giản chỉ là một kẻ lang thang đi tìm sự suy tư cho riêng bản thân mình, những bước chân khám phá trên con đường đê biển ấy sẽ không bao giờ thấy mỏi, không bao giờ ngại bước bởi sự hấp dẫn từ vẻ đẹp thiên nhiên, từ cuộc sống con người sẽ khiến du khách càng giàu xúc cảm, nhẹ bước chân đi. Và rồi, những ai yêu khám phá, sẽ thấy chẳng hoài công khi bước đi trên cung đường hình con sóng ấy.

Con đường đê biển nhỏ nhắn, uốn lượn theo hình con sóng xô bờ, đê cao hơn hết thảy mọi làng mạc phía trong đê, khiến cho những ai đi trên nó có thể thỏa sức mà ngắm nhìn vẻ đẹp của một vùng đất trù phú với những vùng nông sản nổi tiếng, những tháp chuông nhà thờ nối nhau san sát mang đủ các hình thái kiến trúc, đủ các sắc màu.

Ở phía ngoài đê, những con sóng bạc đầu nối nhau đưa những cánh thuyền ra vào bến cát với vô vàn sản vật tươi ngon từ biển. Những bến cá, chợ cá nằm rải rác theo triền đê. Dường như mỗi xã ven biển nơi đây đều có một, hai bến cá. Mỗi sớm mai, tiếng người ý ới gọi nhau trên bến, tiếng mua bán, tiếng người khe khẽ nhịp kéo những mẻ lưới cuối cùng xen vào tiếng lưới rũ trên mặt sóng. Cuộc sống của người dân duyên hải bừng lên dưới ánh bình minh rạng rỡ, đầy sức sống.

Khám phá cung đường hình con sóng ảnh 2Những cánh đồng muối mặn mòi nối nhau thẳng tắp

Bên ngoài khu Ramsa Xuân Thủy, hàng ngàn chòi nghêu nổi lên chênh vênh soi bóng trên mặt nước. Mỗi chòi nghêu lại mang một dáng vẻ riêng. Công việc của người nuôi nghêu thoáng nhìn tưởng như nhàn nhã, nhưng thực sự chỉ có đến tận nơi, sống trên những chòi canh nghêu ấy mới thấy hết những vất vả của nghề, mới thấy hết trong hương vị của những món nghêu có cả hương vị của cuộc sống vốn nhiều vất vả của người nuôi nghêu trên biển.

Phía sát trong chân đê là những cánh đồng muối mặn mòi nối nhau từng hàng thẳng tắp.

Diêm dân vùng duyên hải Bắc bộ làm nghề này vất vả hơn ở những địa phương khác bởi độ mặn nước biển ở đây không cao. Mùa làm muối mỗi năm cũng phụ thuộc vào thời tiết, chỉ làm được chừng 6-7 tháng chứ không làm quanh năm như ở phía nam. Hết mùa làm muối, diêm dân lại phải đổi nghề. Cũng bởi vậy mà có người từng nói, mồ hôi diêm dân duyên hải còn mặn hơn cả những hạt muối kết tinh lóng lánh trên đồng.

Con đê biển như nhân chứng của cuộc sống, ghi nhận bao vất vả nhọc nhằn của người dân duyên hải, minh chứng cho sức mạnh chinh phục thiên nhiên để tạo dựng nên những xóm làng trù phú. Con đê cũng như một nét vẽ mềm mại, lãng mạn tô điểm cho thiên nhiên, cuộc sống con người. Dọc theo triền đê hình con sóng ấy là biết bao bức tranh lãng mạn mỗi buổi bình minh, mỗi dáng chiều tà. Bóng nhà thờ nghiêng nắng đổ dài trên cát, những hàng dài thuyền ghe xếp thành hàng trên bãi như in lên bức tranh trời, biển.

Trong tiếng sóng vỗ ầm ào, trong tiếng gió chiều vi vút, trong sự nhọc nhằn của cuộc sống con người bừng lên vẻ đẹp của một vùng duyên hải. Bóng dáng cổ kính, xiêu vẹo dấu thời gian, những mảng tường sập đổ vì bão tố và sự xâm thực của nhà thờ đổ Hải Lý, nhà thờ đổ Hải Triều như kéo bước chân người về đây khám phá, mơ mộng, suy tư.