Khám mắt không chuẩn, nhiều trẻ đeo kính cận dày cộp nhưng hóa ra bị… viễn thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Một thực trạng rất đáng cảnh báo ở trẻ học đường hiện nay là tình trạng đeo kính “sai số”, thậm chí trẻ bị viễn thị nhưng lại đeo kính cận thị đang gặp khá phổ biến…

Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh trả lời báo chí về khám tật khúc xạ

Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh trả lời báo chí về khám tật khúc xạ

Mới đây, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND Hà Nội tiếp nhận một học sinh tiểu học vào khám mắt vì lý do cận thị tiến triển nhanh. Thời điểm nhập viện, cháu bé đang đeo kính cận 2 diop (độ) nhưng theo người nhà thì gần đây mắt của bé nhức và nhìn không rõ như hồi mới cắt kính cận, vì thế gia đình đưa bé đến viện khám.

Tại bệnh viện, bác sĩ tiến hành kiểm tra lại bằng các phương pháp soi đồng tử, tra thuốc liệt điều tiết… Kết quả rất bất ngờ khi phát hiện cháu bé này bị viễn thị chứ hoàn toàn không phải cận thị, tức việc bé đang đeo kính cận thị là hoàn toàn sai lầm và nguy hại cho mắt hơn.

Với bệnh nhân này, may mắn là người nhà đưa đi viện khám sớm và được chẩn đoán kịp thời. Dù vậy, cũng cần phải mất thời gian 2- 3 tháng để giúp trẻ được đeo kính đúng số, lấy lại thị lực.

Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo khoa học “Cập nhật các kỹ thuật triển khai tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND” vừa diễn ra, ThS. BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng trẻ đeo kính cận nhưng sau đó lại chuyển sang thành viễn như trường hợp nói trên khá phổ biến.

Theo bác sĩ Quỳnh, lực điều tiết ở trẻ rất lớn, khả năng có thể thay đổi biên độ điều tiết lên đến 5-7 diop. Vì thế, nếu quy trình khám ngắn, người khám không phải bác sĩ chuyên khoa, không tra liệt điều tiết để kiểm tra kỹ lưỡng sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng nhầm lẫn. Hậu quả là trẻ có thể bị chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia (từ cận sang viễn).

Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều cha mẹ quá bận hoặc thiếu hiểu biết, thường cho con đến cửa hàng kính thuốc để đo mắt, đo kính. Đây là sai lầm nguy hiểm bởi ở những nơi này thường không có bác sĩ chuyên khoa mắt.

Ngay cả ở một số phòng khám mắt tư nhân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, nhiều bác sĩ không cập nhật được kỹ thuật mới, khám bệnh không áp dụng đúng quy trình chuẩn mà chỉ dựa vào máy đo khúc xạ, không tra thuốc liệt điều tiết hoặc thời gian tra liệt điều tiết quá ngắn… sẽ rất dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm lẫn. Hậu quả của việc đeo kính sai số lâu dài sẽ dẫn đến nhược thị.

“Đây cũng là lý do để khám và ra đơn kính chính xác cho một bệnh nhi ít nhất cũng phải mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí tiếng rưỡi vì khoảng thời gian để tra thuốc liệt điều tiết đã rơi vào khoảng 45 phút-1h rồi. Chưa hết có những cháu phải đi khám tới vài lần trong 2-3 tuần liền mới xác định chính xác độ kính” – bác sĩ Quỳnh cho biết.

Tại hội thảo hội thảo kể trên, các chuyên gia đầu ngành đã chia sẻ, thảo luận về việc ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật cao trên thế giới vào công tác điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND như: các phương pháp và những thách thức trong phẫu thuật tật khúc xạ; kiểm soát, xử lý biến chứng trong phẫu thuật Phaco; cập nhật xu hướng trên thế giới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đáy mắt.

Dịp này, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cũng cho biết đang triển khai chương trình “Smiles Day DND 2020 - Mắt sáng xinh, lung linh mùa lễ hội” hỗ trợ 49% chi phí các phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ và lão thị, kết hợp kỹ thuật làm bền vững giác mạc Cross-linking.