Khám chữa bệnh không dễ... khoán

ANTĐ - Phương thức thanh toán BHYT theo định suất sắp tới có thể sẽ được áp dụng rộng rãi hơn ở Hà Nội và nhiều địa phương sau thời gian triển khai thí điểm tại gần 400 BV và trạm y tế. Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Kim Thành, Hải Dương, hiện đang làm việc tại công ty Nguồn Sống Việt, Hà Nội) e ngại họ sẽ bị thiệt thòi... 

- Chị có biết phương thức thanh toán này được cơ quan bảo hiểm xã hội và ngành y tế kỳ vọng rất lớn?

- Với các BV hay các cơ quan quản lý, kiểu “khoán” trọn gói chi phí mỗi lần khám chữa bệnh này sẽ tiện ích rất nhiều, nhưng đặt vào địa vị người đi khám bệnh mới thấy hết sức khó chịu. Có lần ở quê, mẹ tôi lên cơn cao huyết áp được bố tôi đưa đến trạm y tế, sau khi khám bác sĩ chỉ kê cho vài loại thuốc đơn giản với lời giải thích: một lần đi khám chữa bệnh chỉ được BHYT chi trả trọn gói là 60.000 đồng.

- Có thể đó là mức phí đã được tính toán kỹ và phù hợp với đa số trường hợp khám chữa bệnh ở tuyến xã?

- Cũng không hẳn như thế. Có chị hàng xóm nhà tôi bị đau bụng sơ sơ do ăn phải thức ăn không đảm bảo, lẽ ra chỉ cần mấy gói thuốc tiêu chảy, vài chục nghìn đồng là khỏi, thế nhưng do có người quen ở trạm y tế mà được cấp cho 350.000 tiền thuốc. 

- Có chuyện chi phí vô lý, tùy tiện như vậy sao?

- Hiểu đơn giản thế này, mỗi BV hay trạm y tế báo cáo lên BHXH về số lượng bệnh nhân trung bình mỗi tháng, BHXH cấp tiền xuống theo định suất (chẳng hạn là 60.000đồng/lần khám chữa bệnh với tuyến xã). BV hay trạm y tế sẽ tự tính toán để làm sao chi tiêu trong chừng ấy tiền. Nếu có quá nhiều bệnh nhân trong tháng đó thì họ sẽ chi trả cho người bệnh bớt đi, ngược lại họ cũng có thể chi cho người bệnh này ít hơn, người kia nhiều hơn, miễn là vẫn cân đối số tiền được giao. 

- Như thế thì người bệnh khó mà tránh khỏi thiệt thòi! 

- Theo tôi, đúng là “khoán” cũng có lợi nhưng với khám chữa bệnh thì muốn “khoán” phải dựa trên rất nhiều yếu tố. Nếu không, chẳng những bệnh nhân có thể bị thiệt mà bác sĩ cũng bị bó buộc chi tiêu trong quá trình điều trị, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.