Khám chữa bệnh bảo hiểm, còn nhiều vướng mắc

ANTĐ - Năm 2012, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư 12.891.710 tỷ đồng trong khi tình trạng bội chi quỹ vẫn còn ở nhiều địa phương, trong khi người bệnh BHYT chưa được thanh toán thỏa đáng. Cùng đó, việc thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông vẫn đang tồn tại rất nhiều tranh cãi…

Luật BHYT đang bộc lộ nhiều hạn chế khi triển khai

Quỹ kết dư nhưng không được sử dụng

Tại hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT diễn ra tuần trước, phía cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2012 Quỹ BHYT kết dư 12.891.710 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với năm 2011. Tuy nhiên, do số chi từ Quỹ BHYT năm 2012 cũng tăng lên đến 35%, khoảng hơn 33.400 tỷ đồng, khiến chi phí bình quân/thẻ BHYT tăng 30%. Dù Quỹ BHYT có kết dư lớn nhưng tình trạng bội chi Quỹ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều BV, nhất là các BV lớn... Với cách quản lý Quỹ BHYT như hiện nay, số tiền từ các địa phương có kết dư lớn sẽ được luân chuyển để bù đắp cho các địa phương bị bội chi quỹ, khiến cho những địa phương có kết dư Quỹ BHYT lớn không được sử dụng và quyền lợi của người bệnh ở các địa phương này cũng không được chi trả thỏa đáng.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Y tế Hà Giang cho biết, kinh phí kết dư Quỹ BHYT hàng năm tại tỉnh này rất lớn. Cụ thể, năm 2009 toàn tỉnh kết dư 39,5 tỷ đồng, năm 2010 là 70,3 tỷ đồng, năm 2011 là 65,7 tỷ đồng và năm 2012 lên đến 92 tỷ đồng. Theo quy định của Luật BHYT và hướng dẫn của Nghị định 62, Thông tư 09, số tiền kết dư từ Quỹ BHYT, phía địa phương sẽ được giữ lại một tỷ lệ nhất định để đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp BV… Thế nhưng do không có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay số tiền kết dư này phía địa phương vẫn chưa được sử dụng. Tương tự, trong năm 2012, Quỹ BHYT tỉnh Hà Nam kết dư 20 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được sử dụng. Hay với Hà Nội, trong 3 năm liền, từ 2010 đến nay đều có kết dư, trong đó riêng năm 2012 số kết dư Quỹ ước là 871 tỷ đồng nhưng hiện tại, việc sử dụng khoản tiền này vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Không thể phủ nhận quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT và danh mục dịch vụ y tế, thuốc được BHYT thanh toán ngày càng mở rộng, song số tiền mà bệnh nhân nước ta phải chi trả chi phí y tế từ tiền túi vẫn chiếm khoảng 50%. Đây là một tỷ lệ rất cao nếu biết rằng ở nhiều nước có cùng điều kiện kinh tế xã hội như Việt Nam, khoản tiền túi mà người bệnh phải bỏ ra để chi trả dịch vụ y tế chỉ vào khoảng hơn 30%. Bà Đào Lan Hương - chuyên gia y tế của Ngân hàng Thế giới phân tích, tỷ lệ BHYT chi trả cho dịch vụ y tế còn hạn chế chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này. 

Quyền lợi người bệnh còn hạn hẹp

Tham luận về vấn đề sửa đổi Luật BHYT, bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, biểu giá viện phí hiện hành không đủ các danh mục bệnh danh, trong khi BHYT chỉ chấp nhận thanh toán khi áp dụng chẩn đoán bệnh đúng với tên bệnh danh trong biểu giá. Điều này khiến cho rất nhiều người bệnh vì được chẩn đoán tên bệnh không đúng với tên theo danh mục bệnh danh mà không được BHYT thanh toán, hoặc muốn được BHYT thanh toán thì bác sĩ phải chẩn đoán không hoàn toàn chính xác với bệnh cảnh thật của bệnh nhân. Cùng đó, việc thanh toán tiền vận chuyển cho bệnh nhân BHYT thủ tục quá rườm rà, công tác tuyên truyền kém nên rất khó áp dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng dẫn chứng thêm, từ năm 2012, Sở Y tế Hà Tĩnh áp dụng đấu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 19-1-2012, các thuốc trúng thầu chủ yếu là thuốc có nguồn gốc Trung Quốc. Mặc dù các thuốc này đã được chứng minh tương đương với các thuốc gốc nhưng thực tế điều trị không giống như vậy (nhất là các thuốc về tiểu đường, tim mạch, kháng sinh…), gây mất niềm tin ở bệnh nhân. Thực tế nhiều trường hợp các bác sĩ điều trị đã phải kê đơn ngoài cho bệnh nhân có BHYT sau khi các thuốc có trong bệnh viện được BHXH thanh toán không đáp ứng điều trị. Như vậy cũng có nghĩa, để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh thì dù có BHYT, người bệnh vẫn phải chấp nhận chi tiền ngoài chứ không thể trông chờ vào thuốc từ BHYT.

Về việc thanh toán cho người bệnh bị tai nạn giao thông, đa số ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật BHYT sửa đổi cho rằng, quy định BHYT chỉ chi trả cho các trường hợp xác định là không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đang gây khó khăn cho người dân. Hơn nữa, quy định này còn dẫn tới việc người dân khai báo không chính xác về nguyên nhân gây bệnh, kéo theo những khó khăn trong chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Ông Vũ Văn Khẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho rằng, nên sửa đổi Luật theo hướng thanh toán BHYT cho tất cả bệnh nhân tai nạn giao thông. Ông phân tích, người bị tai nạn giao thông cũng là bệnh nhân và quyền lợi bệnh nhân thì phải được điều trị như nhau, không nên phân biệt giữa bệnh nhân vi phạm luật an toàn giao thông với bệnh nhân không vi phạm.