Khám bệnh trong lúc xếp hàng chờ lĩnh lương

ANTĐ - Đối với người dân phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Kim Chi, 84 tuổi, thực sự là tấm gương sáng về lòng nhân hậu. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng đã nhiều năm nay, mỗi lần đi lĩnh lương trong lúc chờ đợi xếp hàng đến lượt, ông đã tranh thủ khám bệnh miễn phí cho mọi người. Tại nhà ông, một chốt sơ cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông cũng được lập miễn phí.

Đi đâu cũng mang theo máy đo huyết áp

Ông Nguyễn Kim Chi năm nay đã 84 tuổi, tóc bạc trắng, thân hình gầy gò, thanh mảnh nhưng gương mặt hiền từ, phúc hậu. Từ năm 2005 đến nay, hàng tháng ông đi lấy lương hưu thấy mọi người đều phải chờ đợi đến lượt mình, đó là cả một khoảng thời gian dài, ông nghĩ giá có thể làm được việc gì có ích trong thời gian đó, vừa giúp mọi người vừa tránh được cảm giác mệt mỏi khi chờ đợi. Từng là một nhân viên y tế nên ông nghĩ sẽ dùng chuyên môn của mình để giúp đỡ mọi người. Nghĩ là làm, hàng tháng cứ vào ngày lĩnh lương, ông đến địa điểm phát lương từ rất sớm, tìm cho mình một chỗ ngồi. Mỗi lần đi ông mang theo máy đo huyết áp. Mọi người trong lúc chờ lĩnh lương được ông khám bệnh, tư vấn miễn phí. Vì vậy mà ông luôn là người lĩnh lương sau cùng. 

Một người dân ở đây cho biết: Trước đây mỗi lần đi lĩnh lương chờ lâu rất mệt mỏi. Nhưng bao năm nay, chúng tôi có thêm một niềm vui là được ông Chi đo huyết áp, khám tư vấn cho sức khỏe. Người già phần nhiều bị huyết áp cao, lại thường không có máy đo huyết áp tại nhà nên nhiều lúc cũng không biết huyết áp của mình như thế nào để điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Lên bệnh viện thì ngại. Vì vậy chúng tôi rất mừng khi hàng tháng cứ đến ngày lĩnh lương cũng được khám bệnh luôn.

Ở khu phố của ông có hai điểm nhận lĩnh lương. Nhưng một mình ông không thể đến được cả hai điểm. Do đó ông đã vận động bà Dương Thị Duyên, y sĩ đông y lấy lương ở tổ bên cùng làm công việc giống mình.

Trong những buổi họp chi bộ, họp tổ dân phố ông cũng mang theo máy đo huyết áp để khám cho những ai có nhu cầu. Từ năm 2009, ông còn thành lập một chốt sơ cấp cứu tại nhà. Lý do là con đường Lương Ngọc Quyến chạy qua cửa nhà ông gần bến xe khách, gần trường học nên giao thông luôn tắc nghẽn, nhiều vụ va quệt giao thông đã xảy ra. Từ ngày có chốt cấp cứu của ông, những người bị va quệt tại đây đã được sơ cứu kịp thời và cho thuốc miễn phí.

Người y tế thôn bản

Lúc nào cũng chỉ khiêm tốn nhận mình là người y tế thôn bản. Tuy nhiên ít ai biết rằng ông từng là một chuyên gia y tế cao cấp. Sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Lên 5 tuổi bố mất, 11 tuổi mẹ cũng qua đời nên tuổi thơ của ông vô cùng vất vả. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, chưa đầy 17 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ. Năm 1950, ông được đơn vị cử đi học lớp quân y, cũng trong năm đó ông tham gia chiến dịch Biên giới. Khi chiến dịch kết thúc ông được chỉ định làm cán bộ quân y ở lại chăm sóc sức khỏe cho tù binh ở Cao Bằng. 

Sau Hiệp định Geneva, ông về Hà Nội tiếp tục công tác và học tập ở các đơn vị thuộc Cục Địch vận. Năm 1982 ông đã được Bộ Y tế chỉ định làm trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Angola. Đến năm 1985 ông lại được Bộ Y tế cử sang Thủ đô Phnom Penh, Campuchia làm Viện trưởng Bệnh viện Chuyên gia của  Việt Nam tại đây. Năm 1989, ông về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. 

Năm 1990 ông nghỉ hưu. Thấy ông vừa có chuyên môn, vừa có sức khỏe, trạm y tế phường đã mời ông đảm trách công việc của một nhân viên y tế thôn bản. Ông cười nói: Đó là lý do tôi nhận mình là người y tế thôn bản. Với tôi làm việc ở đâu, vị trí nào không quan trọng mà quan trọng nhất là mình được đem kiến thức, tâm huyết ra giúp đỡ mọi người. Nhà nước đã cho tôi đi học, cho tôi kiến thức, nghề nghiệp thì trách nhiệm của tôi là phục vụ nhân dân. Như thế vừa không lãng phí kiến thức vừa là niềm vui tuổi già. Người dân quanh đây đã quá quen với hình ảnh nhiều năm cùng với chiếc xe đạp Thống Nhất, ngày cũng như đêm cứ nhà nào có người ốm đau là ông lại có mặt khám bệnh, tư vấn miễn phí. Bà Nguyễn Thị Hương, TP Thái Nguyên tâm sự: Tôi bị cao huyết áp, mỗi lần huyết áp lên lại phải tìm ông Chi đến đo huyết áp và khám cho. Nhờ sự tư vấn của ông trong việc ăn uống, nghỉ ngơi mà lâu nay tôi không bị huyết áp cao nữa. Còn chị Nguyễn Thị Thái, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: Tôi bị đau lưng đã nhiều năm nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi bệnh viện chạy chữa. Nhờ có người mách tôi tìm đến ông Chi. Ngoài tiền thuốc tiêm 15 nghìn đồng ông không lấy của tôi một đồng tiền công nào cả. Ông đã già rồi mà tấm lòng thật phúc hậu. 

Chăm sóc bệnh nhân AIDS

Quanh khu phố ông sống có những bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối, mọi người đều tránh né ngại tiếp xúc. Nhưng ông thì khác. Hàng ngày ông vẫn đến tiêm, cho uống thuốc, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc mà chẳng lấy một đồng nào. Với những đóng góp của mình, năm 2001, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”...

Chuyện cưới xin của ông cũng là một câu chuyện… có một không hai. Khi chăm sóc sức khỏe tù binh tại Cao Bằng ông đã quen được một cô gái thùy mị, hiền hậu tên là Bế Thi Kim Oanh. Hai người tâm đầu ý hợp nên khi về Hà Nội công tác, năm 1957, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức đám cưới cho ông bà tại… Nhà tang lễ Phùng Hưng Hà Nội. Có thể với nhiều người đây là điều kiêng kỵ

nhưng với ông bà thì điều đó không quan trọng. Ông bảo: Con người ta sống với nhau cốt ở cái tâm, cái tình chứ không phải là điểm cưới sang trọng. Thực tế gần 60 năm sống với nhau đã chứng minh ông bà vô cùng hạnh phúc với con trai, con gái, con dâu, con rể thành đạt, có học hàm, học vị. Gia đình ông được UBND thành phố Thái Nguyên vinh danh là gia đình tiêu biểu trong nhiều năm.

Chia tay ông, người bác sĩ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn không quản ngại nắng mưa lo lắng, chăm sóc cho sức khỏe nhân dân, mới thấy rằng cuộc sống vẫn có nhiều điều thật ý nghĩa, nhiều tấm lòng cao cả. Người ta hay nói đến lương y như từ mẫu. Ông Nguyễn Kim Chi thật xứng đáng với 5 chữ đó.